Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Nguyễn Sỹ Hiển:

“Có ưu, có nhược, nhưng Calisto phù hợp với ĐTVN”

<P class=MsoNormal style="MARGIN: 0in 0in 0pt">(Dân trí) - Ông Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia tin rằng HLV Calisto đáp ứng được nhiều yêu cầu của BĐVN trong năm 2007 và ủng hộ nhà cầm quân người Bồ Đào Nha ngồi ghế HLV trưởng ĐTQG.

Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông qua điện thoại, với một “điều kiện” nho nhỏ: tất cả những gì ông phát biểu là quan điểm cá nhân, không có ý nghĩa khẳng định hay phủ định mọi thông tin về Calisto trong triển vọng trở thành HLV trưởng ĐTQG Việt Nam.

 

PV: Với tư cách là Chủ tịch HĐ HLV QG, ông đánh giá thế nào về những điểm mạnh, điểm yếu của HLV Calisto sau 8 năm gắn bó với BĐVN?

 

Ông Nguyễn Sỹ Hiển: Sau sự ra đi của HLV Ried, công việc lựa chọn một HLV ngoại ưng ý là điều cực kỳ khó khăn. Khó vì 2 lẽ: một là năm nay ĐTQG chỉ tập trung trong khoảng nửa năm cuối, giữa năm là các giải giao hữu, còn cuối năm là nhiệm vụ chính AFF Cup.

 

Hai là, với khả năng tài chính hiện tại của chúng ta (lương của HLV do Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch chi trả) thì việc thuê HLV có đẳng cấp sẽ khó thành vì không đáp ứng nổi yêu cầu tài chính.

 

“Có ưu, có nhược, nhưng Calisto phù hợp với ĐTVN” - 1

Ông Nguyễn Sỹ Hiển phát biểu tại buổi toạ đàm về thất bại
của U23 VN ở SEA Games 24

 

Chính vì thế, tôi cho rằng HLV Calisto là một người phù hợp với hoàn cảnh hiện nay: làm việc theo mùa vụ, lương bổng không quá cao.

 

HLV Calisto có chuyên môn tốt, đã được chứng minh qua thành tích của ông với ĐT.LA trong 7, 8 năm trời. Năm 2002, khi được giao trọng trách dẫn dắt ĐTQG tại Tiger Cup, ông đã đưa đội vào tới Bán kết và giành HCĐ dù đó là thời điểm giao thời, lực lượng rất mỏng và yếu.

 

Ông là người chỉ đạo trận đấu rất nhạy bén, đọc trận đấu nhanh và có những quyết định táo bạo để thay đổi cục diện trận đấu. Ông cũng là một người rất nhiệt huyết, có uy tín với cầu thủ và đặc biệt ông rất hiểu cầu thủ Việt Nam, có khả năng phát hiện và đánh giá tiềm năng phát triển của cầu thủ.

 

Nhược điểm lớn nhất của ông là nóng tính, nhưng nói chung tôi ủng hộ ông Calisto nếu ông được chọn làm HLV trưởng ĐTQG.

 

Theo ông, đâu là rào cản lớn nhất khiến Calisto có thể một lần nữa lỗi hẹn (nếu có)?

 

Hãy hiểu rằng đây mới chỉ là động thái đầu tiên, và Calisto cũng chỉ là một trong 5, 6 ứng cử viên mà VFF đang cân nhắc. Sau Tết âm lịch, thường trực VFF, Hội đồng HLV quốc gia mới chính thức bàn bạc, cân đong vấn đề này.

 

Một yếu tố rất quan trọng là khả năng tài chính. Nếu vào thời điểm đó ngành thể thao có kinh phí dồi dào hơn, có mong muốn làm việc với một chuyên gia mang tính định hướng chiến lược dài hạn, thì có thể ông Calisto sẽ không được nhắc đến nữa.

 

Ngược lại, đâu là lợi thế của HLV Calisto?

 

Dù có nói chuyện lâu dài đến đâu, thì trước mắt chúng ta cũng có AFF Cup 2008, và chỉ còn chưa đầy một năm nữa thôi. Nếu thuê HLV ngoại có chất lượng thì thường phải thuê theo kiểu hợp đồng dài hạn từ 3 - 5 năm, điều đó không dễ dàng với cơ chế hiện nay của BĐVN.

 

Hơn nữa, nếu không hiểu gì về BĐVN thì HLV mới cần ít nhất nửa năm để thích nghi, lúc đó sợ rằng lộ trình chuẩn bị cho AFF Cup sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, trong năm 2008 này tôi cho rằng Calisto có lợi thế lớn vì ông có thể làm mùa vụ, lại nắm điểm mạnh, điểm yếu của các cầu thủ trong lòng bàn tay.

 

Cán cân đối sánh bây giờ giữa HLV Calisto và HLV Riedl đã khác năm 2005 và không thể lấy thời điểm này làm tham chiếu cho thời điểm đó. Nhung cũng xin nhắc lại chuyện ăm đó, lợi thế nào khiến ông Riedl được chọn thay vì Calisto?

 

Vào thời điểm đó, ông Riedl vẫn thể hiện được mình ở chỗ các bài tập đa dạng, phong phú. Yêu cầu của ông Riedl về lương bổng cũng phú hợp với túi tiền của Liên đoàn. Hơn nữa, năm 2003 ông Riedl dẫn dắt ĐT U23 chơi rất tốt, ông có trong tay một lứa cầu thủ hay của những Quốc Vượng, Hữu Thắng, Huy Hoàng, Văn Quyến, Tài Em… và giành tấm HCB khá ấn tượng tại SEA Games 25.

 

Lúc đó, ông Riedl vừa huấn luyện đội Palestine trở về, và sau khi cân nhắc kỹ chúng tôi đã quyết định chọn ông. Nghề HLV là thế mà, lúc thắng và thành công thì cái gì cũng hay, lúc thua thì cái gì cũng dở. Có những giá trị cố hữu, nhưng chỉ có người trong nghề mới thấy hết được.

 

Từ đầu khoá V VFF đến nay, vai trò của Hội đồng HLV QG chưa đậm nét. Có người cho rằng thường trực VFF chưa tập hợp được chất xám của các chuyên gia trong Hội đồng, nhưng cũng có ý kiến rằng nhiều người trong Hội đồng thiếu thiện chí hợp sức với VFF?

 

Vai trò của HĐ HLV QG là tư vấn, tham mưu cho VFF về các vấn đề chuyên môn, huấn luyện. Thực ra, từ trước nay chúng tôi vẫn xắn tay làm cùng với VFF trong vịêc lựa chọn Ban huấn luyện từ U21 đến U23 chứ có nề hà gì đâu.

 

Nhưng không phải lúc nào sự tư vấn của chúng tôi cũng được tiếp thu. Đơn cử chuyện Ban huấn luyện ĐT nữ: ngay từ đầu chúng tôi đã nói rằng trình độ của các HLV bóng đá nữ VN hiện chưa đủ tầm, cần một chuyên gia thực sự. Nếu họ nghe chúng tôi, thì đâu đến nỗi đẩy đội từ anh Thái Tuấn sang anh Lê Bằng, rồi cuối cùng mới đẩy vào tay ông Trần Vân Phát vực dậy ngay trước thềm SEA Games.

 

Ngay cả đội tuyển U23, chúng tôi cũng nhiều lần cảnh báo trong công tác chuẩn bị, từ khâu giờ giấc tập luyện, nhiệm vụ trọng tâm, dùng biện pháp khoa học để xác định tình trạng thể lực cầu thủ… nhưng vì HLV Riedl có quyền phủ quyết nên cuối cùng những người có chức năng cũng làm ngơ luôn.

 

Đội ngũ nhân sự của Hội đồng HLV quốc gia đều là những nhà khoa học thể thao, những chuyên gia có kinh nghiệm nhiều năm cả. Tận dụng chất xám của họ đến đâu thì còn tuỳ vào năng lực của cấp quản lý, điều hành của VFF.

 

Nói về chuyện BHL mới của đội bóng đá nữ, ông đánh giá thế nào về những thay đổi này?

 

Không có gì bất thường cả. Quan điểm của Hội đồng HLV QG cũng như VFF và ông Trần Vân Phát đều thống nhất là lựa chọn những người có năng lực tốt nhất để cùng làm nhiệm vụ vực dậy bóng đá nữ trong năm tới. Xét về cá nhân, tôi cho rằng anh Thái Tuấn và Hiền Lương hoàn toàn xứng đáng. Nga và Hồng làm tốt trong năm vừa qua, nhưng cần tích luỹ thêm kinh nghiệm. Tôi chỉ đưa quan điểm chuyên môn, còn những vấn đề khác xin không bàn tới.

 

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

 

Hồng Kỹ
Thực hiện