Cái thua ở nền móng

<P class=MsoNormal style="MARGIN: 0in 0in 0pt">(Dân trí) - Olympic thất bại tối thiểu trên đất Nhật, kết quả đó hoàn toàn chấp nhận được. Thế trận phòng ngự mà Alfred Riedl bài bố cũng phát huy hiệu quả khi khoá được hàng tiền vệ áo xanh trong hầu hết thời gian thi đấu và chỉ nhận bàn thua từ một quả phạt góc.

Cái thế trận phòng ngự với 9 cầu thủ cùng phong toả ngay từ tuyến giữa đó đã phát huy hiệu quả rõ rệt, ít nhất là trong hiệp 1. Suốt 45 phút hàng tiền vệ áo xanh đã phải loay hoay ở cái vòng tròn trung tâm mà không tìm được cách tiếp cận vòng tròn 16m50 bởi phương án vỗ mặt hay xẻ biên đều bị bẻ gãy.

 

Không có dấu hiệu luống cuống ở các cầu thủ trẻ áo đỏ, dù ở đó có những vị trí được ráp tạm vào đội hình như một cascadeur và có những vị trí mới toe. Cách chơi phòng ngự 2 tầng đó thể hiện ý thức chiến thuật cao của một tập thể biết lượng sức mình và thực sự đã làm “chiếu trên” toát mồ hôi hột.

 

Sự bế tắc đó cho thấy Olympic Nhật cũng không phải là “ông kẹ” và thực sự họ thiếu một ông chủ để tung hứng cuộc chơi và tung những nhát kiếm kết liễu.

 

Cái thua chỉ đến ở một tình huống cố định, một tình huống phạt góc rất hiện đại. Quả bóng được chủ động đá hơi “non”, để 2 tiền đạo Hirayama và Tadanari lôi kéo hàng thủ áo đỏ và hậu vệ Aoyama chạy cắt mặt đánh đầu vào góc gần. Đó là một pha phối hợp điển hình trong bóng đá hiện đại và cái thua đó gần như không cản được.

 

Dù có chút trách móc dành cho cầu thủ bịt góc gần và sự lưỡng lự chết người của thủ môn Đức Cường, nhưng đó là một bàn thắng xứng đáng và nó phản chiếu sự chênh lệch về đẳng cấp.

 

Thực ra ĐTVN và cả Olympic VN thời gian qua đã nhận nhiều bàn thua từ những tình huống cố định, và đều từ các đối thủ nhỉnh hơn mình. Ở vòng loại Asian Cup, VN đã thua người Nhật dù đã ghi bàn trước. Và bước ngoặt 180 độ đó cũng xuất phát từ quả đá phạt của Endo từ ngoài vòng cấm, một quả đá cầu vồng xé toạc hàng rào và bay thẳng vào góc chết.

 

Agribank Cup 2006, ĐTVN cũng từng mất cúp vì cái chân ma thuật của Thonglao dù đã được cảnh báo rất nhiều. Trận hoà mà như thua đó đã được mổ xẻ ráo rốt và đi đến kết luận là một sự thua sút về trình độ.

 

Đêm qua người Nhật đã cầm bóng nhiều với những chỉ số phụ vượt trội (phạt góc 17/1, sút cầu môn 14/2) nhưng cũng không thực sự nắm hồn trận đấu. Nhưng người Nhật có sự lạnh lùng và có sự toả sáng đúng lúc của một hậu vệ sau một pha dàn xếp có ý đồ, có tổ chức và có tư duy bóng đá ở mức cao.

 

Bàn thắng đó không phải phân tích nhiều vì nó rất điển hình trong những trận đấu có kèo trên - kèo dưới và những trận đấu kiểu một chiều bế tắc.

 

Không có bàn thắng đó thì Olympic VN có thể đã có điểm và Sorimachi có quyền nói nhiều hơn về cái gọi là “trận đấu kém cởi mở”.

 

Bóng đá hiện đại đôi khi ăn nhau ở một tình huống chứ không ăn nhau ở thế trận.

 

Để tạo được nhữn tình huống như thế, người ta cần một nền móng vững hơn, cao hơn và chuyên nghiệp hơn.

 

Cái thua của Olympic VN, vì thế, không đáng trách nhưng là kiểu thua mà khá lâu nữa chúng ta mới tránh được.

 

Cái nền móng đó gọi là đẳng cấp của một nền bóng đá.

 

Huấn Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm