Xét xử lưu động, một góc nhìn khác!
(Dân trí) - Ngạc nhiên hơn khi việc xét xử lưu động, một hình thức mà chính nhiều người trong cuộc đánh giá là cũ kỹ, phi lý và không thể hiện tính nhân đạo lại được đưa ra làm “tiêu chí thi đua trong năm” của ngành tòa án...
Phiên tòa xét xử lưu động công khai vụ thảm sát ở Bình Phước với những mức án thích đáng cho những kẻ sát nhân ác thú. Song, từ đây một câu hỏi đó là có nên duy trì hình thức xét xử lưu động như hiện nay đã được chính các nhà chuyên môn, những người trong cuộc đặt ra.
Từ lâu, trong tâm thức không ít người coi việc xét xử lưu động là một phương cách “làm gương” tốt, có tính răn đe, giáo dục, giúp người dân có cơ hội tiếp cận và trang bị cho họ những kiến thức pháp luật cần thiết để tránh xa những hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó, giúp họ tuân thủ pháp luật, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật trong đời sống sinh hoạt.
Thế nhưng đọc những phân tích của các nhà chuyên môn thì không khỏi giật mình khi nhiều “người trong cuộc” phản đối cách xét xử này.
Họ đánh giá việc xét xử lưu động sẽ gây khó khăn trong việc xét hỏi cũng như ảnh hưởng tới kết quả phiên tòa bởi áp lực số đông có thể tác động đến quá trình luận tội.
Song, điều đáng lo ngại hơn, đó là việc xét xử tất nhiên là phải mô tả các hành vi phạm tội càng cụ thể càng tốt. Thậm chí, có thể phải “dựng” lại hiện trường.
Đây là điều cực kỳ nguy hiểm bởi việc mô tả chi tiết các tình tiết tội ác sẽ gây nên những tâm lý khác nhau. Có thể là sự căm giận đối với tội ác nhưng cũng có thể, nó sẽ là “bài học thực tế”, nhất là lớp trẻ sẽ “bắt chước” và “nhân bản”. Trong khi theo qui định của luật pháp, trẻ em dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được triệu tập. Nhưng thực tế cho thấy, tại những phiên xử lưu động, số lượng trẻ em dưới 16 không ít.
Trên báo Tuổi trẻ ngày 19/12, bài “Có nên xét xử lưu động?”, ông Ngô Cường (vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, TAND tối cao) đã bày tỏ thái độ không đồng tình với lý do là pháp luật Việt Nam không có quy định về xét xử lưu động và các nước cũng không có hình thức xét xử này. “Tôi không đồng tình với việc tổ chức xét xử lưu động. Ở các phiên tòa lưu động, các hành vi như giết người, hiếp dâm, xâm phạm tình dục với các chi tiết tỉ mỉ, rùng rợn được công bố, ảnh hưởng không ít đến người tham dự, trong đó có các cháu nhỏ.
Việc đưa bị cáo ra xét xử trước hàng trăm, hàng ngàn người dân còn vi phạm quyền con người của bị cáo, đồng thời gây tốn kém khi phải tổ chức, huy động lực lượng phục vụ, bảo vệ phiên tòa. Theo tôi, quan điểm xét xử lưu động để tuyên truyền pháp luật là quan điểm cũ”.
Trung tướng Trần Văn Độ (nguyên phó chánh án TAND tối cao, nguyên chánh án Tòa án quân sự trung ương) bày tỏ: “Xét xử lưu động không những ảnh hưởng đến bị cáo mà còn ảnh hưởng đến gia đình bị cáo, người bị hại, trong đó có những vấn đề họ không muốn công khai rộng rãi cho mọi người cùng biết... Những người đến dự vì tò mò nhiều hơn là để hiểu các quy định của pháp luật… Việc xét xử lưu động sẽ tạo áp lực không đáng có cho hội đồng xét xử”.
Trung tướng Độ còn kiến nghị: “Các tòa án cũng không nên lấy việc xét xử lưu động làm tiêu chí thi đua trong năm như hiện nay”.
Trao đổi với PV Infonet, cựu thẩm phán Phạm Công Út, người từng tiến hành tố tụng các phiên tòa lưu động đã bày tỏ thẳng thắn: “Tôi thấy đó là điều phi lý và không thể hiện tính nhân đạo”.
Về quan điểm cá nhân, mình xin kể một câu chuyện nghe được từ ngày còn nhỏ,
Khi đó, ở gần quê mình một đôi trai gái có quan hệ bất chính với nhau. Họ bị bắt quả tang và bị dẫn ra sân đình “xử tội” công khai với sự chứng kiến của gia tộc và dân làng. Cả ông bố bà mẹ già và những đứa con của họ cũng bị bắt ra chứng kiến “sự ô nhục” này.
Mấy ngày sau, người ta thấy xác họ nổi trên sông vì không chịu được áp lực của gia đình và làng xóm.
Khi đọc những thông tin từ Trung tướng Độ, mình còn ngạc nhiên hơn khi biết “việc xét xử lưu động làm tiêu chí thi đua trong năm”. Một việc làm bị chính “người trong cuộc” đánh giá là “phi lý và không thể hiện tính nhân đạo” lại trở thành một “tiêu chí thi đua” thì có lẽ cũng cần xem lại, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám