Về một danh hiệu không nên tồn tại?
(Dân trí) - “Quá hình thức, quá tốn kém, lãng phí và phản cảm”. Đó là lời nhận xét của Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh về danh hiệu Gia đình văn hóa tại buổi làm việc của đoàn giám sát của Quốc hội với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đây quả là một nhận xét hoàn toàn chính xác.
Nó hình thức bởi đến hẹn lại lên, mỗi năm một lần, gần như toàn bộ các hộ gia đình cả nước đều được nhận danh hiệu này. Nó “tràn lan” đến mức người trao muốn trao nhưng nhiều người không muốn nhận.
Nó “quá tốn kém” bởi hàng năm, không biết bao nhiêu tiền đã được chi ra cho việc bình xét đầy hình thức này và cùng với nó là khoản kinh phí khổng lồ dùng in ấn tấm bằng “tào lao” để phân phát cho hầu hết các hộ gia đình trong cả nước.
Nó phản cảm bởi gia đình là tế bào của xã hội, nếu tất cả các tế bào đều tốt thì chắc chắn xã hội phải rất tốt đẹp.
Chúng ta không phủ nhận những thành tựu của đời sống hôm nay, song cũng thẳng thắn nhìn nhận thấy còn không ít yếu kém.
Các tệ nạn xã hội như cờ bạc, trộm cắp, mại dâm, tham ô, tham nhũng, vi phạm luật lệ giao thông, xả rác bừa bãi… là những điều không hiếm gặp.
Thậm chí, tình trạng xâm hại trẻ em và cả buôn bán, nghiện hút ma túy đến mức Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phải thốt lên: “Tình hình xâm hại trẻ em không phải là bình thường mà rất nghiêm trọng, bức xúc”.
Hãy thẳng thắn nhìn nhận xem bao nhiêu đối tượng vi phạm pháp luật đang chịu hình phạt từng là thành viên của trong cái gọi là “gia đình văn hóa”?
Báo Thanh niên còn cho biết “khẳng định việc trao danh hiệu gia đình văn hoá nhiều trường hợp rất phản cảm, trong làng ma tuý tràn lan vẫn gắn biển làng văn hoá, đại biểu Bộ đã từ chối nhận danh hiệu gia đình văn hoá”.
Cá nhân, tôi đồng ý với quan điểm của đại biểu Nguyễn Mai Bộ và đề nghị nên tạm dừng trao danh hiệu này trước khi tìm ra một hình thức mới thực chất hơn.
Thiết nghĩ, một danh hiệu bị đánh giá là “quá hình thức, quá tốn kém, lãng phí và phản cảm” liệu có nên tồn tại?
Bùi Hoàng Tám