Về đoạn đường mỏng như… “bánh tráng” Thanh Trì

(Dân trí) - Nhìn qua ảnh đăng tải trên các trang báo thì thấy cái lớp nhựa láng trên mặt đường mỏng như… bánh cuốn Thanh Trì phủ trên đám đá sỏi lổn nhổn có khi xe ba gác đi qua cũng đủ để bong tróc...

Về đoạn đường mỏng như… “bánh tráng” Thanh Trì - 1

Tuyến cao tốc đầu tiên của miền Trung nối TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam với TP Tam Kỳ tỉnh Quảng Ngãi có vốn đầu tư 34.000 tỉ đồng vừa thông xe vào đầu tháng 9/2018 đã xuất hiện tình trạng bong tróc, gây nguy hiểm đang xôn xao dư luận. Theo phản ánh từ báo Dân trí, hàng loạt các ổ voi, ổ gà xuất hiện trải dài trên đoạn đường này.

Về nguyên nhân, theo ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban quản lý dự án thì sự cố như báo phản ánh chỉ là cục bộ, chưa xảy ra ở mức độ đại trà nên chưa thể kết luận do chất lượng công trình.

Trên Vietnamnet, bài “Cao tốc 34.000 tỷ chi chít ổ gà: 'Tại cơn mưa đầu mùa”, ông Thành chỉ ra các nguyên nhân khách quan như tải trọng xe lớn, lượng xe lưu thông nhiều, dầu diezel chảy tràn ra và nhất là nước mưa đầu mùa đọng lại trên mặt đường...

Chuyện đổ lỗi cho khách quan ở ta vốn không lạ. Nên cũng không có gì ngạc nhiên khi ông GĐ Thành đưa ra những lý do “ngoại tuyến” như trên và nó cũng quen tai từ lâu rồi.

Đã từng có những lời giải thích, vỏ tàu đi biển han là bởi… nước biển mặn.

Đã từng có lời giải thích, cầu vượt biển rạn là bởi… gió to.

Đã từng có những lời giải thích, vỉa hè hỏng do… ít có người đi lại.

Đã từng có lời giải thích, bãi rác hôi thối là do… biến đổi khí hậu.

v.v.v.

Vậy thì, việc ông GĐ Thành giải thích đường bong tróc là do mưa, do dầu rơi vãi, do xe chạy nhiều, do tải trọng xe quá lớn hay do bởi cơn mưa “đỏng đảnh” đầu mùa thì không những không lạ mà cũng thấy xuôi xuôi tai dù “thủ phạm" ở đây là… ông trời. Tức là để khắc phục lỗi do “ông trời”, chỉ có cách là làm đường trong… nhà kính!

Song, cũng nên ghi nhân bởi chí ít, ông còn đưa ra ba bốn nguyên nhân, không như câu “ca dao” một thời nói về xe gắn máy: “Thứ nhất là hỏng bu gi – Thứ hai là hỏng cái gì bên trong”.

“Thú vị” nữa, ông Thành còn “vịn” vào sự cố cầu Thằng Long, cây cầu làm cách đây mấy chục năm so với con đường vừa thông tuyến của ông ra để biện giải:

“Nếu nhiều mẻ, nhiều gói thầu cũng bị, cơ quan chức năng sẽ tìm hiểu có gì sai sót về khâu thiết kế. Ví như mặt cầu Thăng Long, hiện rất nhiều cơ quan chức năng vào cuộc vẫn chưa kết luận nguyên nhân là gì”. Ông Thành nói.

Nguyên nhân khách quan được ông đưa ra khá nhiều, nhưng nguyên nhân chủ quan thì… mới chỉ là “có thể”: “Nguyên nhân chủ quan có thể do khâu kiểm soát chất lượng đầu vào, vệ sinh không tốt tại một số vị trí cục bộ. Tuy nhiên, hiện nay chưa ghi nhận sự hư hỏng đại trà nào để kết luận có nguyên nhân chủ quan”.

Thật tình, người viết bài này không có chuyên môn cầu đường, cũng không “nhìn tận mắt, sờ tận tay” nên thấy ông giải thích sao thì tin là vậy.

Có điều băn khoăn, nhìn qua ảnh mà các đồng nghiệp đăng tải trên các trang báo thì thấy cái lớp nhựa láng trên mặt đường mỏng như… bánh tráng (miền Bắc gọi là bánh cuốn) Thanh Trì (Hà Nội) phủ trên đám đá sỏi lổn nhà lổn nhổn nên không khỏi thốt lên: Làm như thế kia thì có khi xe… ba gác đi qua cũng đủ để bong tróc.

Thôi thì ông nói gì là việc của ông GĐ Thành. Có điều, người dân chúng tôi không bao giờ chấp nhận con đường 34.000 tỉ đồng vừa mới thông tuyến chưa được mấy bữa đã bong tróc, hư hỏng, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám