Từ "Nuôi ong tay áo" đến "Nhờ cáo trông… gà!"

(Dân trí) - Từ xa xưa, cha ông ta đã có câu thành ngữ "Nuôi ong tay áo" chứng tỏ điều nguy hiểm này đã xuất hiện từ rất lâu. Thế nhưng gần đây, câu thành ngữ này lại được "nối dài" thành hai vế đối xứng nhau: "Nuôi ong tay áo – Nhờ cáo trông… gà!".

Từ Nuôi ong tay áo đến Nhờ cáo trông… gà! - Ảnh 1.

T

Điều này cho thấy việc "Nuôi ong tay áo" đã "nâng cấp" đến mức độ mới, "Nhờ cáo trông gà".

Nhìn lại vài ba vụ việc vừa qua thì thấy sự xuất hiện vế sau của câu thành ngữ trên hoàn toàn có cơ sở.

Ví như vụ ông tướng Công an Nguyễn Thanh Hóa vừa bị đem ra xét xử chẳng hạn. Là Cục trưởng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tức là người coi giữ "cánh cửa" của lĩnh vực này lại đi tiếp tay cho hành vi đánh bạc online thì đúng là "Nhờ cáo trông gà" chứ còn gì nữa?

Rồi vụ một ông hiệu trưởng, được nhà nước giao trách nhiệm đứng đầu một trường nội trú, người dân tin cậy gửi con em vào nhờ thầy dạy bảo. Thế mà "thầy" này lại giở trò đồi bại với chính các học sinh thân yêu của mình thì có lẽ còn hơn cả… "cáo trông gà" mà là "hổ coi vịt".

Mới đây nhất tại Gia Lai, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Ayun Pa đã để mất hơn 550 ha rừng, đồng thời chi sai hơn 1,6 tỉ đồng ngân sách. Vụ việc được Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh đề nghị Thanh tra làm rõ, chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra.

Dù chưa có kết quả từ phía cơ quan Công an, song báo chí và dư luận không khó để "suy đoán" ai là thủ phạm. Báo Lao động đã giật một cái tít khá chính xác: "Gia Lai: Ban Quản lý rừng "thay" lâm tặc triệt hạ hơn 550 ha rừng?".

Ban Quản lý rừng là cơ quan thay mặt chính quyền trông coi rừng không để lâm tặc phá mà lại "thay" lâm tặc triệt hạ rừng thì đúng là "Nhờ cáo trông gà" đến 101%.

Sự việc này xảy ra trong 3 năm, làm "mất" 550 ha rừng tức là mỗi năm mất 180 ha và tức là 2 ngày "biến mất" có… 1ha.

Kinh! Rất kinh bởi 550 ha to lắm, nhiều gỗ lắm. Thế mà cứ biến mất như mất cuộn chỉ, cái kim.

Trong khi đó thì người dân đốn một cành củi có khi cũng khó mang ra khỏi rừng.

"Nuôi ong tay áo" là để chỉ sự nguy hiểm trong sử dụng con người mà giờ đây, nó còn thêm "Nhờ cáo trông gà" thì quả là sự nguy hiểm đã đạt đến mức cao độ.

Để không còn xảy ra tình trạng "Nuôi cáo giữ… gà", "Gửi trứng cho ác", có lẽ cần một cuộc cách mạng về công tác cán bộ hiện nay.

Có thể nói, khó có điều gì "mỉa mai" hơn "Ban Quản lý rừng "thay" lâm tặc triệt hạ rừng", phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám