Tự do của người này không được phạm vào tự do của người khác

(Dân trí) - Hãy tự do, rất nên tự do miễn là cái tự do của người này không phạm vào tự do của người khác. Đó là chân lý sống nói chung cho tất cả mọi phương cách hành xử trong một xã hội văn minh, phải không các bạn?.

Tự do của người này không được phạm vào tự do của người khác - 1

Một qui định có hiệu lực vào ngày 15/9 vừa qua đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội.

Đó là chó thả rông, không rọ mõm, dây xích sẽ bị bắt nhốt và tiêu hủy sau 72 giờ (3 ngày) nếu không có người đến nhận. TP Hồ Chí Minh và một số địa phương đã bắt tay vào thực hiện qui định này. Tuy nhiên, có những ý kiến trái chiều, đồng tình và phản đối.

Những người phản đối cho rằng đó là việc làm “thiếu nhân văn”, đối xử thô bạo với động vật, nhất là con chó, một động vật thân thuộc, sống gắn bó và có nghĩa tình với chủ (khuyển, mã chi tình).

Có ý kiến khác đặt câu hỏi tại sao lại tiêu hủy mà không thành lập các trung tâm nuôi giữ để chờ chủ đến chuộc về.

Một số khác còn viện dẫn khoa học, chứng minh những người yêu động vật thường nhân văn và ít phạm tội hơn…

Đã có một thống kê về các câu hỏi đặt như tại sao lại bắt chó khi nó chơi trước cửa nhà, trên vỉa hè trước nhà, hoặc trong hẻm nhà tôi? Tại sao sau 72 giờ là tiêu huỷ, làm sao tôi biết nó bị bắt? Tại sao không như nước ngoài nuôi lâu hơn, chờ chủ đến nhận? Tại sao lại phải dùng cách dã man thòng cổ? Tại sao lại làm vậy? Các chú chó rất đáng yêu và tội nghiệp

Đây là những câu hỏi rất chính đáng, song hãy đặt vấn đề thế này nhé.

Bạn đã bao giờ dắt con đi bộ trên vỉa hè, một chú cẩu nào đó mắt long lên sòng sọc, lao ra tợp con bạn một miếng rõ to để rồi sau đó, không chỉ lo con đau, vết thương nhiễm trùng, bạn còn nơm nớp lo xem chú cẩu đó có chết không? Có bỏ nhà đi không? Có sợ nước và bóng tối không? Tức là nó có mắc bệnh dại để truyền sang con bạn loại vi rút chưa có thuộc chữa trị một khi phát bệnh.

Bạn đã bao giờ sáng ra mở cửa, một bãi phân chó "sực nức" mùi và thầm nhủ may mà mình chưa dẫm phải? Rồi bạn tay bịt mũi, tay cầm dụng cụ hót cái đống nhoe nhoét đó cho vào túi ni lông, vừa đi vừa nín thở mong mau tới chỗ đổ? Có lẽ cũng “cảm ơn” bọn “cẩu tặc” vì nếu không sợ bị bắt trộm thì thành phố của chúng ta sẽ trở thành bãi thải phân gia súc.

Bạn đã bao giờ chạy xe máy trên đường, bỗng một chú chó lao qua mũi xe làm bạn ngã sõng xoài và sau đó, tiếng phanh ô tô rít lên khi đầu bạn chỉ cách chiếc lốp cao su vài xăng ti mét...

Bạn yêu chó ư? Đó là quyền của bạn. Bạn nhân văn ư? Đó cũng là quyền của bạn.

Nhưng bạn không có quyền vì tình yêu của bạn, vì lòng nhân văn của bạn mà làm hại người khác. Tình yêu của bạn, lòng nhân văn của bạn là gì nếu như nó ảnh hưởng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người khác?

Bạn cũng đừng ảo tưởng về chuyện thành lập trại nuôi chó thả rông bởi bạn có thể sẵn sàng bỏ tiền đống thuế để làm việc này, còn không ít những người khác thì xin lỗi, con họ còn chả đủ ăn. Vả lại, hãy tin tôi đi, nó sẽ nhanh chóng biến thành trạm trung chuyển đến các quán cầy tơ bảy món!

Vì thế, chỉ có hai cách dành cho tình yêu chó của bạn. Một, hãy đem nó về nhà bạn và đóng chặt cổng vào. Hai, nếu đem ra đường, phải rọ mõm, đeo xích và không cho ỉa đái bậy.

Hãy tự do, rất nên tự do miễn là cái tự do của người này không phạm vào tự do của người khác. Đó là chân lý sống nói chung cho tất cả mọi phương cách hành xử trong một xã hội văn minh, phải không các bạn?.

Bùi Hoàng Tám