Trường Sa nhìn gần
(Dân trí) - Năm 2000, trên tàu Ti Tan của Quân chủng Hải quân tôi được ra Trường Sa. Nửa tháng lênh đênh trên biển, hết đảo này đến đảo khác, từ Trường Sa lớn đến Phan Vinh, Thuyền Chài, Tiên Nữ, An Bang…tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn sự thiêng liêng của hai tiếng Tổ Quốc.
"Trên quần đảo mang tên bão tố đó, tôi đã gặp những người lính giản dị nhưng rất kiên trung và lạc quan. Họ nói: Chúng tôi ở xa đất liền nhưng Tổ Quốc gần hơn cả. Quê hương, đất nước luôn luôn ở trong trái tim của người chiến sĩ. Bài “Trường Sa nhìn gần”, tôi xem như một ghi chép thơ trong chuyến đi không bao giờ quên ấy". Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý
Trường Sa nhìn gần
1.
Ở Trường Sa
những người lính
mặt trẻ
tóc già.
Những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi
tóc lấm tấm bạc.
Chúng tôi
sống trên đỉnh sóng
neo bám giữa bão giông
nơi
mây - nước – trùng – trùng…
Ngày ngày
đi qua bài thơ Nam quốc sơn hà
khắc bên cột mốc
nghe lòng ngân rung hồn Việt
trên mặt đá san hô nắng khét
chúng tôi
nhận ra gương mặt dòng sông
soi bao mùa màng xứ sở
những sinh nở cánh đồng của mẹ
đêm đêm
rì rào
trong những giấc mơ.
Chẳng có gì thương hơn những giấc mơ về mẹ
người là hôm nay cũng là muôn thuở
dáng tảo tần và nét lo toan
Ở nơi góc bể chân trời
mẹ như ngọn dền xanh, mẹ như bông muống trắng
như bên cửa sổ khẩu đội con có cây ớt chín
dây mồng tơi vấn vít ngoài thềm
mẹ là bài dân ca đêm qua em văn công vừa hát
chúng con vỗ tay hát theo như uống ngọn nguồn…
Mẹ ơi,
con đã được hôn lên đôi mắt quan họ
con đã được cầm tay ví giận thương đi dưới vầng trăng vằng vặc Trường Sa
và con hình dung ra đôi mắt mẹ đang cười
mẹ ôm vào lòng mưa nắng tuổi hai mươi
như Tổ Quốc ôm vào lòng Quần đảo !
2.
Chúng tôi
những người lính
mặt trẻ
tóc già
chung màu da biển cả
nắng Trường Sa ngun ngút lửa trời
dội xuống nơi cằn cộc cỏ cây
Lò – vôi - thế - kỷ.
Biển
ngấm vào chúng tôi vị mặn Ngân hà.
Một lần ra Trường Sa
cả đời nhớ Trường Sa
không quên được
dù chỉ là ca nước
một ngọn bàng vuông nhô lên trong hố đất
một cây dừa tướp lá đảo Phan Vinh
một tiếng gà trưa oi óc An Bang
một truyền thuyết lung linh đêm Tiên Nữ
một đàn chim câu lượn vòng trong chiều Trường Sa lớn
một chiếc trăng cong bên đảo Thuyền Chài…
3.
Có buổi chiều
lính đảo vui như Tết
khi cầm trên tay những lá thư tình
nét chữ nghiêng
tà áo bay bay
nét chữ đứng
dáng ai trên bờ đợi.
Biển dài rộng
đảo chỉ là chấm nhỏ
và con người cũng chẳng thể lớn hơn
nhưng
không có chúng tôi biển cũng sẽ vô hồn
biển sẽ khát giữa mênh mông đơn điệu
xin đọc biển nghe lời em thủ thỉ:
quần đảo phong ba – vùng biển yêu thương
nơi bão tố là nơi bình yên nhất…
Đồng đội ơi,
sao lúc ấy chúng mình không hát
một câu gì đó cho em
để bớt bồi hồi mong nhớ hoàng hôn
dẫu hoàng hôn đang cháy bùng trước mặt
để khỏi bồn chồn chờ vầng trăng mọc
dù vầng trăng đang đội sóng nhô lên.
Chúng tôi
những người lính
mặt trẻ
tóc già
lặng lẽ yêu em
như cây phong ba yêu đảo.
Lính chúng tôi ít lời hoa mỹ
khó thời thượng thời trang
chẳng sành điệu lắm đâu
nếu các em gặp chúng tôi quân phục bạc màu
da đen cháy…cũng đừng buồn đấy nhé
chúng tôi yêu em bằng tình yêu giản dị
bằng trái tim của đảo mà thôi!
Chúng tôi yêu em như yêu Đất Nước còn nghèo
cầu dải yếm bắc qua mùa ngâu khát
cây trúc chọn miền dân ca để mọc
vạt áo nào cũng giai điệu phù sa
câu ca dao không chịu hóa bùn
ngực đồng nội thơm bông sen bông súng
dòng sông dắt lúng liếng qua cầu
người thương nhau thì vượt sóng tìm nhau
như mẹ cha ta từng trèo đèo lội suối
quả cau nhỏ í a môi đỏ thắm
và lá trầu khuất nẻo còn cay
màu cổ tích xanh áo lính bây giờ…
Chúng tôi
những người lính
mặt trẻ
tóc già
con tem nhỏ
dán vào góc biển
biển thành phong thư vĩ đại của đất trời
ngôn ngữ sóng dạt dào vũ trụ
tín hiệu xuyên qua mây mù không mỏi:
TÌNH YÊU!
Nguyễn Hữu Quý
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám tuyển chọn và giới thiệu.