Trình độ “kém” hay cố tình kiếm “phí bôi trơn”?

(Dân trí) - Điều dư luận đang bức xúc là, dù các cơ quan chức năng nói rất quyết liệt về việc loại bỏ các loại “giấy phép con” trái luật (nó chỉ hành hạ người dân và doanh nghiệp) nhưng kết quả thu được không đáng kể.

 


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, có điều kiện cạnh tranh, điều 7 Luật Đầu tư (năm 2014) đã quy định rõ: Các loại điều kiện đầu tư kinh doanh chỉ được quy định ở Luật, Pháp lệnh và Nghị định. Nghĩa là, chỉ có Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ mới có đủ thẩm quyền để ban hành các điều kiện này. Các Bộ khi ban hành Thông tư hướng dẫn, các Quyết định hay công văn điều hành sẽ không được đưa ra nội dung về điều kiện kinh doanh.

Nhưng trong báo cáo của Bộ KH & ĐT tại phiên họp của Chính phủ cho biết con số giật mình: “Gần 50% 'giấy phép con' trái luật” (đó cũng là tít bài của Vietnamnet.vn ra ngày 30.12). Cụ thể, hiện đang có 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư.

Tuy nhiên, trong số này, có 2.833 điều kiện hiện đang được quy định tại các văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền. Trong số trên, nhiều loại giấy phép con ra đời ngay cả sau khi Luật đầu tư 2014 có hiệu lực thi hành (1.7.2015).

Ví dụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 25/2015/TT-BLĐTBXH ngày 13/7/2015 quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp. Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 197/2015/TT-BTC ngày 3/12/2015 quy định về hành nghề chứng khoán.

Đáng chú ý nhất là, cũng trong báo cáo của Bộ KH & ĐT, có nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, tạo chi phí tuân thủ lớn, hạn chế gia nhập thị trường của các doanh nghiệp. Ví dụ như yêu cầu số lượng tối thiểu phương tiện, thiết bị, diện tích kho bãi, số lượng người có chứng chỉ hành nghề, yêu cầu chung chung về người điều hành doanh nghiệp phải có đủ kinh nghiệm chuyên môn, yêu cầu địa điểm kinh doanh thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng,..

Rõ ràng, những giấy phép con này đang đi ngược với yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh mà Đảng, Nhà nước đang cố gắng thực hiện.

Vậy đâu là lý do khiến các “giấy phép con” trái thẩm quyền vẫn ra đời?

Câu trả lời chỉ có thể hoặc trình độ cán bộ ở các bộ, ngành đó quá kém, hoặc là cố tình tạo những rào cản để có “phí bôi trơn”.  Cả hai lý do này đều không thể chấp nhận.

Vậy ai phải chịu trách nhiệm, là người đứng đầu các bộ ngành hay các vụ chức năng? Thực tế, từ trước đến nay, những dạng sai thẩm quyền kiểu này, chẳng ai chịu trách nhiệm cả. Cùng lắm, khi bị phát hiện, hủy các văn bản trái luật là… xong!

Như vậy, các văn bản này sẽ tiếp tục ra đời, ít nhất nó cũng được thực thi vài tháng đến vài năm. Bởi lẽ, có biên chế nào cho xuể để rà soát khi mỗi tháng có hàng trăm văn bản của các bộ, ngành, địa phương ban hành.

Đã đến lúc, không thể để tình trạng này cứ … xoay, xoay.

Vương Hà