Trái nho, lá cờ, tượng Phật và sự cúi đầu nhận lỗi

(Dân trí) - Nho xanh kinh doanh tại BigC The Garden có dán cờ Trung Quốc được dư luận quan tâm thời gian qua không phải nho có xuất từ Trung Quốc mà chính là nho Ninh Thuận, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội quyết định xử phạt BigC The Garden 35 triệu đồng.

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Một cái kết có hậu cho vụ “treo” cờ Trung Quốc trên thực phẩm Việt Nam tại cửa hàng Việt Nam. 35 triệu đồng đối với BigC không đáng gì, nhưng mất mát lớn nhất của siêu thị này là sự tin cậy của người tiêu dùng. Một bạn đọc gửi comment cho Dân trí rằng: “Tôi mất niềm tin vào BigC quá. Một đơn vị uy tín xuyên quốc gia mà lại để cho việc quản lý như vậy”.

 

Một bạn đọc khác: “Nếu đúng BigC bán nho Trung Quốc giả nho Ninh Thuận, thì liệu ai phải chịu trách nhiệm không nhỉ? Hay là chỉ có người tiêu dùng phải tự chịu trách nhiệm về sức khỏe của mình!”. Cảm ơn bạn đọc đã có những ý kiến xác đáng, những ý kiến đóng góp đó đã có tác động tích cực để cơ quan quản lý xử lý vụ việc kịp thời và đúng luật.

 

Bài học này không chỉ dành riêng cho BigC mà cho tất cả doanh nghiệp. Không chỉ là chuyện trung thực trong kinh doanh mà lớn hơn là nhận thức về chủ quyền quốc gia, hình ảnh của đất nước.

 

Không chỉ là treo cờ tiếp thị cho Trung Quốc, mà ngay cả hàng không rõ nguồn gốc nhưng đến từ Trung Quốc cũng không kinh doanh, cho dù có lợi nhuận cao. Bởi vì, hàng hóa kém chất lượng của Trung Quốc, có nhiều sản phẩm mà ngay chính người dân nước họ còn sợ hãi vì nhiễm độc tố, lại tràn qua Việt nam, đầu độc dân mình. Là người  kinh doanh có lương tâm, không ai đành lòng tiếp tay cho bọn buôn lậu để hủy hoại sức khỏe đồng bào và gây tổn thất cho sản xuất trong nước.

 

Thế nhưng, chuyện trái nho vẫn còn là chuyện nhỏ, hãy nhìn sang nhiều sản phẩm văn hóa khác sẽ thấy một số doanh nghiệp Việt Nam xem lợi nhuận hơn của hình ảnh và chủ quyền quốc gia. Điển hình như vụ sách học vần cho trẻ em có in hình cờ Trung Quốc, sách “Bé làm quen với chữ cái” do NXB Đại học Sư phạm xuất bản và phát hành có in hình cờ Trung Quốc. Đối với những vụ việc này, cần phải có hình thức xử phạt đi kèm với việc thu hồi ấn phẩm. Phạt để răn đe và giáo dục về nhận thức chính trị. Cũng tương tự như dự thảo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, nếu không có Hoàng Sa và Trường Sa thì bị phạt tới 50 triệu đồng.

 

Nho Việt Nam lại cắm cờ Trung Quốc, còn thắng cảnh Trung Quốc lại mang về quảng cáo tại gian hàng Việt Nam, đó là vụ gian hàng của Tổng cục Du lịch Việt Nam triển lãm tại Đức lại treo bức ảnh danh thắng Lạc Sơn Đại Phật ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Sai sót này còn kinh khủng hơn nhiều, nếu có quy định, phạt thật nặng cho nhớ, nhưng hiềm một nỗi, nếu phạt Tổng Cục Du lịch thì lấy tiền nhà nước nộp phạt cho nhà nước.

 

Thế thì, cần một sự nhận lỗi và một lời xin lỗi. Các nhà xuất bản in cờ Trung Quốc vừa bị phát hiện cũng cần có lời xin lỗi với bạn đọc, phụ huynh và học sinh.

 

Mới đây, NXB Trẻ gửi thư xin lỗi về việc in sai ở bộ sách “Kiến văn tiểu lục”. Bộ sách này in sai 2 lỗi, một là ảnh Lê Quý Đôn lại bị nhầm thành ảnh Nguyễn Trãi, hai là tên dịch giả Phạm Trọng Điềm in thành Nguyễn Trọng Điềm. Trong thư xin lỗi có đoạn: “Lỗi sai này cực kỳ nghiêm trọng đối với chúng tôi, chúng tôi thật lấy làm xấu hổ về điều này. Ban Giám đốc NXB Trẻ và toàn thể nhân viên cúi đầu nhận lỗi và xin lỗi bạn đọc… Cuối cùng, trong sự xấu hổ của nghề nghiệp, NXB Trẻ chân thành xin lỗi bạn đọc và mong bạn đọc lượng thứ”.

 

Buồn thay, hành động xin lỗi đáng quý trọng của NXB trẻ chỉ là hiếm hoi và “hi hữu”. Đất nước này còn thiếu những sự nhận lỗi trung thực và sự xin lỗi đến mức phải cúi đầu.

 

 

Lê Chân Nhân

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!