Trách người, chẳng bằng trách mình

(Dân trí) - Cuối tuần trước, có một số sự việc gây tâm lý lo lắng, hoang mang thậm chí là sự giận dữ ở nhiều người. Nhưng vấn đề là: Những điều gây lên tâm trạng bất an ấy, thực sự nó đến từ đâu, xoá bỏ bằng cách nào, thực sự vẫn là một câu hỏi rất cần sự quan tâm chung, nỗ lực chung để tìm ra câu trả lời.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Chuyện thứ nhất, vẫn còn nóng hổi là nghi vấn có nhóm tin tặc (hacker) từ Trung Quốc đã đột nhập vào hệ thống màn hình, loa phát thanh của các sân bay chiếm quyền điều khiển, tấn công trang, chiếm quyền domain trang web của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)...

Cho dù, hậu quả của sự việc này đến nay đã được khắc phục. Nhưng sự việc thực sự đã dấy lên nỗi lo ngại là những hành động phá hoại trên hoàn toàn có thể lặp lại trong thời gian tới không chỉ với chính các đơn vị vừa bị tấn công mà còn có thể với nhiều cơ quan, đơn vị khác. Thậm chí, với mức độ thiệt hại có thể nghiêm trọng hơn, nếu những sơ hở trong bảo mật trong hệ thống của các cơ quan, doanh nghiệp đó chậm được khắc phục.

Chuyện thứ 2: Cũng trong tuần qua, cộng đồng mạng "dậy sóng" với việc Bộ Giao thông Vận tải đề xuất việc vay 7000 tỷ đồng từ một ngân hàng của Trung Quốc để đầu tư, xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Móng Cái-Vân Đồn (Quảng Ninh). Một khảo sát nhanh của Dân trí cho thấy, trên 99% độc giả phản đối việc này với lập luận chính là chưa ai thấy công trình nào vay vốn, sử dụng công nghệ của Trung Quốc có hiệu quả cả.

Ở cả 2 câu chuyện rất khác nhau trên lại có một điểm chung. Đó chính có những "lỗ hổng", những yếu kém nội tại ở trong các cơ quan, tổ chức trong nước khiến tổ chức, cá nhân bên ngoài có thể lợi dụng để làm những việc có lợi cho họ và có hại cho Việt Nam.

Với câu chuyện thứ nhất, những người quan tâm đều biết rằng, trước sự việc xảy ra tại các sân bay: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc... hay với website của Vietnam Airlines, đã có những cảnh báo với các cơ quan bị ảnh hưởng trong vụ việc chiều ngày 29/7 và nhiều cơ quan khác về lỗ hổng bảo mật. Nhưng điều này vẫn xảy ra và đã gây những thiệt hại nhất định, nhất là việc làm lộ bí mật cá nhân của hàng trăm ngàn người dân.

Nhiều chuyên gia an ninh mạng còn cho rằng, sự việc mới chỉ là "bề nổi". Bởi trên thực tế, từ lâu, giới hacker không chỉ từ Trung Quốc mà còn đến từ nhiều nước khác đã ra, vào hệ thống mạng Việt Nam như... đi chợ. Vậy trách nhiệm về "lỗ hổng" này với các cơ quan Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, với Vietnam Airlines là thế nào? Bởi với giới "hacker" nếu không phải đến Trung Quốc, thì cũng có thể là đến từ các quốc gia khác.

Ở sự trên thì rõ là có ý đồ phá hoại. Nhưng khi, việc thâm nhập vào hệ thống mạng của Việt Nam, không hẳn là có ý đồ phá phách, mà chỉ là thử thách, là trò chơi... Nếu các cơ quan, tổ chức Việt Nam có sự chú ý đầu tư, quan tâm hơn đến việc bảo mật thì sẽ tránh được những hậu quả đáng tiếc. Nhất là với những cơ quan nhạy cảm: Các ngân hàng, cơ quan an ninh, đơn vị quân đội...

Ở câu chuyện thứ 2, cho dù có thực tế là khá nhiều công trình, dự án lớn sử dụng vốn đầu tư, công nghệ của Trung Quốc trong những năm qua thua lỗ lớn , kém hiệu quả, thậm chí có dự án làm ô nhiễm môi trường, gây hậu quả to lớn về kinh tế-xã hội... Nhưng cũng phải nói rằng, không phải không có những dự án đầu tư, sử dụng công nghệ Trung Quốc cũng phù hợp, phát huy hiệu quả. Có một số dự án có sử dụng công nghệ, dây chuyền sản xuất của Trung Quốc nhưng cũng phù hợp, đem lại hiệu quả chứ không phải hoàn toàn không có như ở một số nhà máy sản xuất mía đường, hoá chất...

Cho dù với có những bài học rất đắt giá về vay vốn đầu tư, sử dụng nhà thầu hay đơn giản chỉ nhập, sử dụng công nghệ của Trung Quốc ở hàng loạt dự án: Cát Linh-Hà Đông, Nhà máy Đạm Ninh Bình, các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học (Ethanol)..., thì sự thất bại trong việc đầu tư công nghệ, vay vốn cho dự án này, chúng ta cũng không nên chỉ giận dữ, đổ lỗi cho "bên ngoài". Mà ở đây, thực sự đã có những vấn đề yếu kém, có những "lỗ hổng" lớn trong chính sách, trong tổ chức đấu thầu (nhất là với tiêu chí quy định ưu tiên về vấn đề giá bỏ thầu thấp), trong quy định phòng, chống tham nhũng... để ngăn ngừa những nhà thầu yếu kém năng lực nhưng thừa các thủ đoạn hối lộ, bỏ thầu giá thấp rồi lợi dụng, ăn vạ, tăng giá về sau...

Vấn đề chính là ở năng lực quản lý nội tại của Việt Nam. Nếu như quản lý không tốt vốn vay thì dù không vay của Trung Quốc thì vay của nước nào cũng sẽ không hiệu quả.

Cho nên, với cả 2 sự việc rất "nóng" trong tuần qua, đã có một câu chuyện có ý nghĩa chung: Trách người chẳng bằng trách mình. Dù chúng ta có giận dữ, có bức xúc đến mấy với những hoạt động phá hoại nào đến từ ai, từ tổ chức nào bên ngoài nhưng lại không nhìn thấy những yếu kém, những "lổ hổng" ở chính hệ thống, trong từng cơ quan, đơn vị trong nước để khắc phục, tự bảo vệ thì cũng khó có thể ngăn chặn được những tác động xấu đó một cách chắc chắn, hiệu quả.

Mạnh Quân