Tiền mồ hôi của dân đâu phải của nhà mình để mà đem ra ban phát?
(Dân trí) - Những dự án đội vốn hàng chục lần. Những dự án kém hiệu quả. Những dự án trùm mền, đắp chiếu. Những chi tiêu vô tội vạ. Những chiếc xe ô tô có giá vượt mức qui định. Những chuyến “công du” tiền tỉ không hiệu quả… Và cuối cùng, bội chi ngân sách.
Thế nhưng theo qui định, chúng ta có hẳn một cơ quan thay mặt nhân dân để quản lý nguồn kinh phí này và thay mặt Chính phủ có quyền “gật” hay “lắc” trước mỗi lời đề xuất.
Song, khi vụ việc xảy ra, họ lại như… người ngoài cuộc và hình như chưa thấy bao giờ phải chịu trách nhiệm. Đó là Bộ Tài chính, nơi coi giữ “túi tiền” quốc gia.
Xin đơn cử như việc chi thường xuyên thường tăng cao ở các bộ, ngành và gần đây nhất, là số tiền chi cho các chuyến đi nước ngoài.
Nhiều bạn đọc gửi ý kiến (comment) đến tòa soạn đặt câu hỏi về vai trò quản lý của ngành coi giữ ngân khố quốc gia này bởi theo họ, việc chi tiêu từ “mũi kim, sợi chỉ” đều phải “bẩm báo” với Bộ Tài chính. Từ khâu trình duyệt dự toán đến thẩm định, xét duyệt chi, Bộ này gật mới được mà lắc thì không. Rồi sau khi hoàn tất, còn thanh, kiểm tra lên bờ, xuộng rồi mới được duyệt quyết toán.
Vậy thì hà cớ gì mà khi bội chi, Bộ lại “vô can”, như người ngoài cuộc?
Rồi vụ số tiền hàng ngàn tỉ đồng dành cho các chuyến “công du” mà theo một số nhận xét, “công” thì ít mà “tư” thì nhiều, chủ yếu là thăm quan và… mua sắm trong đó, cùng với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính là những đơn vị đứng đầu bảng xếp hạng.
Câu hỏi đặt ra là Bộ Tài chính có cần phải “tham quan, học hỏi” nhiều như vậy không? Có hay không việc sử dụng “lợi thế” của mình để… du hí?
Trong khi năm nào Thủ tướng cũng nhắc nhở tiết kiệm trong chi tiêu, nhất là với các chuyến công tác ở nước ngoài.
Song, quan trọng hơn, nếu có sự giám sát chặt chẽ và hiệu quả từ Bộ Tài chính, sẽ giảm tối đa, thậm chí không thể xảy ra tình trạng “bê bết”, đụng đâu sai đấy trong quản lý tài chính như hiện nay.
Thật lòng, người dân đã quá chán nản với các bài toán chỉ có “thu và thu”, nhăm nhăm nhằm vào túi dân của Bộ Tài chính hiện nay mà mong mỏi nhiều hơn nữa ở cơ quan nắm ngân khố quốc gia này. Đó là những chiến lược phát triển kinh tế đồng thời giữ chắc “hầu bao” cho dân, cho nước.
Mồ hôi, công sức của dân để kiếm từng đồng, từng cắc, xin đừng coi như “lá rừng” và nhất là không được phép coi ngân khố là của nhà mình để đem ra ban phát.
Bùi Hoàng Tám