Thử lý giải về hai ông Nguyễn Xuân Anh và Lê Phước Hoài Bảo

(Dân trí) - Công cuộc phòng chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng đang vào thời kỳ cao điểm. Hàng loạt các vụ án nghiêm trọng đã và sẽ tiếp tục được xét xử. Nhiều vụ việc vi phạm kỉ luật Đảng của cán bộ cao cấp cả nguyên hoặc đương chức đã và sẽ tiếp tục được xử lý.

Thử lý giải về hai ông Nguyễn Xuân Anh và Lê Phước Hoài Bảo - 1

Có thể nói, chưa bao giờ công cuộc phòng chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng lại quyết liệt như hiên nay. Điều đó trả lại sức mạnh cho Đảng, tạo niềm tin cho đông đảo quần chúng nhân dân.

Song, những vụ việc xử lý vừa qua là điều đau xót như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 23/6: “Tôi nói nhiều lần là chẳng thích gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí là rất day dứt, đau xót, nhưng phải kỷ luật thôi và vi phạm pháp luật thì phải xử lý”.

Như vậy có thể nói về sâu xa, làm thế nào để ngăn chặn những điều không hay trước khi nó xảy ra mới là mấu chốt của vấn đề bởi sự đau xót, mất mát này không chỉ thuộc về một cá nhân mà còn gồm tài sản của Nhà nước và uy tín của Đảng cầm quyền.

Xin thử lý giải hai vụ việc gần đây nhất về những vi phạm nghiêm trọng của hai cán bộ trẻ là ông Nguyễn Xuân Anh và ông Lê Phước Hoài Bảo.

Công bằng, đây là hai cán bộ trẻ, có học thức, xuất thân từ một gia đình có truyền thống. Vậy điều gì đã “đưa đẩy” họ tới con đường hiện nay?

Trước hết, “Tiên trách kỉ, hậu trách nhân”. Sự ham hố quyền lực, không “biết mình là ai” đã biến họ thành một con người khác, dẫn đến những vi phạm như kết luận của UBKT Trung ương đã nêu. Tóm lại, lỗi trước hết thuộc về cá nhân họ.

Lỗi thứ hai thuộc về gia đình họ. Có thể khẳng định, nếu ông Nguyễn Xuân Anh không phải là con của ông Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm UBKT Trung ương và ông Lê Phước Hoài Bảo không phải con của ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam thì không có những bước thăng tiến “thần tốc” trên con đường “thảm đỏ” như đã xảy ra.

Chính sự “o bế”, “nâng đỡ” có thể trực tiếp, có thể gián tiếp của cha anh đã tạo cho họ một tâm lý bất chấp, coi thường tất cả.

Tuy nhiên, nguyên nhân thứ ba không thể không nói đến trách nhiệm của công tác cán bộ nằm ở các bước: Đào tạo - bồi dưỡng; Đề bạt – cất nhắc và Quản lý – giám sát.

Về Đào tạo – bồi dưỡng, có lẽ chúng ta chưa làm đến nơi, đến chốn, chưa trang bị cho họ những kiến thức cần thiết của một người cán bộ quản lý trong một chính thể “Của dân, do dân và vì dân”.

Về đề bạt – cất nhắc, phải nhìn nhận những khuyết điểm của họ không phải tất cả đều xảy ra sau khi họ được đề bạt mà trong đó, có không ít khuyết điểm đã xảy ra từ trước. Điều này, chứng tỏ công tác đề bạt – cất nhắc chưa kỹ càng và có sự nhầm lẫn, sai sót.

Về quản lý – giám sát, những khuyết điểm xảy ra sau khi họ được đề bạt cho thấy công tác quản lý, giám sát, đấu tranh phê bình ở đây chưa đạt yêu cầu. Nếu như làm tốt quản lý – giám sát, ngăn chặn ngay từ đầu chắc chắn sẽ giảm thiểu những khuyết điểm của họ như hiện nay.

Giờ đây, hậu qủa để lại thật nặng nề.

Về cá nhân họ, đây là sự mất mát không nhỏ. Với Nguyễn Xuân Anh, ông này hoàn toàn có thể trở thành một nhà báo, thậm chí quản lý báo chí ở một tờ báo nơi ông đã từng nhiều năm công tác là báo Thanh niên.

Về ông Lê Phước Hoài Bảo, với tấm bằng thạc sĩ xuất sắc tại Mỹ, ông Bảo có thể là một giảng viên đại học có uy tín như ông đã từng thi đậu giảng viên tại trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng hoặc trở thành một doanh nhân thành đạt, đóng góp cho đất nước.

Đối với Nhà nước, là những mất mát về tài sản và với Đảng, là uy tín, niềm tin và danh dự.

Không thể nói khác, đây là bài học đau xót về công tác cán bộ, đặc biệt với cán bộ trẻ như lời của Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu trên báo Nhân dân điện tử ngày 8/6/2017, bài “Công tác cán bộ trong thời kỳ đổi mới, họi nhập”: “Nếu trao quyền quá sớm vào cán bộ trẻ mà người đó thiếu một nền tảng học vấn đào tạo căn bản, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, bản lĩnh chính trị và nền tảng đạo đức, sẽ tạo nên một cơ chế đặc quyền, đặc lợi, chủ quan”.

Có thể nói đây cũng là sản phẩm của cái mà người dân gọi là “tứ ệ”: Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ và cuối cùng là trí tuệ.

Xin một lần nữa được nhắc lại lời của TBT Nguyễn Phú Trọng: “Tôi nói nhiều lần là chẳng thích gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí là rất day dứt, đau xót, nhưng phải kỷ luật thôi và vi phạm pháp luật thì phải xử lý”.

Lịch sử không cho chúng ta giá như nhưng lịch sử cho chúng ta những bài học.

Bùi Hoàng Tám