"Thành phố mời bà con ở lại..."

Hoàng Lam

(Dân trí) - Đó không chỉ là một lời mời mà còn là cam kết của Bí thư Thành ủy TPHCM trong việc đảm bảo các nhu cầu thiết yếu để người dân ngoại tỉnh đồng hành với Thành phố chống dịch.

Thành phố mời bà con ở lại... - 1

Số ca mắc Covid-19 đang có xu hướng "đi ngang"; quận đầu tiên hoàn thành tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi một, hàng trăm ca lây nhiễm được chữa khỏi... Những thông tin đăng tải trên Báo Dân trí những ngày gần đây khiến người dân cả nước thêm vững tin vào kết quả phòng, chống dịch Covid-19 mà TPHCM đang thực hiện.

Ngày 15/8, TPHCM tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 15/9. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, tốc độ lây lan nhanh, việc áp dụng biện pháp chống dịch mạnh nhất là điều cần thiết. Dẫu biết rằng thêm một ngày giãn cách là thêm một ngày khó khăn với cả chính quyền, lực lượng chống dịch và cả người dân nhưng lúc này, chúng ta không có lựa chọn nào khác.

Hình ảnh dòng người ùn ùn rời Thành phố để tránh dịch khi có thông tin tiếp tục giãn cách khiến chúng ta không khỏi xót xa và lo lắng. Ai cũng có quyền tìm một nơi bình yên để nương náu trong đại dịch và quê nhà, nơi có gia đình, có người thân, có làng xóm đùm bọc lẫn nhau là hi vọng của họ.

Thế nhưng trong tình thế này, lựa chọn rời thành phố sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của cả nước. Gần 400 người trong đoàn 2.000 công dân rời vùng dịch Đồng Nai về Ninh Thuận dương tính với SARS-CoV-2 là một minh chứng. Hành trình di chuyển hàng nghìn người sẽ gia tăng nguy cơ lây nhiễm và tạo áp lực lên quê hương khi phải tiếp nhận, điều trị, cách ly số lượng lớn công dân trở về.

Lúc này, cần thiết phải thực hiện biện pháp "ai ở đâu ở yên đấy" theo tinh thần Công điện số 1063 của Thủ tướng về công tác phòng, chống dịch Covid-19. "Thành phố mời bà con ngoại tỉnh ở lại tiêm vắc xin. Ai gặp khó khăn thì chịu khó liên lạc với địa phương, chúng tôi đã có kế hoạch để hỗ trợ, chia sẻ", Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nói.

Đây không chỉ là lời mời mà còn là cam kết của người đứng đầu Thành phố về đảm bảo đời sống cho người dân, trong đó có lao động ngoại tỉnh - một phần không thể thiếu để tạo nên diện mạo của Thành phố hôm nay.

Cùng với nỗ lực dập dịch, thời gian vừa qua, TPHCM đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ người dân bên cạnh thực hiện kịp thời, hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP, đảm bảo "không để người dân thiếu đói, cùng cực vì dịch bệnh".

Hơn 334.000 lao động tự do, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được nhận khoản hỗ trợ trong tháng 7. Ngày 15/8, Thành ủy TPHCM đã yêu cầu các quận, huyện và thành phố Thủ Đức khẩn trương rà soát các trường hợp công nhân, người lao động, học sinh sinh viên, những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để hỗ trợ tiền nhà trọ, lương thực thực phẩm.

Cùng với TPHCM, các tỉnh, thành trong cả nước cũng đã có nhiều chương trình hỗ trợ công dân của mình đang ở trong vùng dịch. UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ mỗi hộ dân đang sinh sống, làm việc ở TPHCM  1 triệu đồng. Tỉnh Thanh Hóa trích 5 tỷ đồng hỗ trợ người dân tỉnh nhà tại TPHCM. Tỉnh Quảng Bình hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng cho người dân địa phương gặp khó khăn ở TPHCM và các tỉnh phía Nam...

Các chuyến tàu chở đầy lương thực, thực phẩm thiết yếu của người dân cả nước vẫn đang xuôi về phương Nam, để sẻ chia những khó khăn, thiếu thốn cùng lao động nghèo mắc kẹt trong đại dịch.

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ sáng 15/8 về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: "TP.HCM vừa qua đã triển khai xong gói hỗ trợ lần một có trị giá 886 tỷ đồng và đang tiếp tục hỗ trợ cho nhiều hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. TP Hà Nội vừa bổ sung thêm chính sách đặc thù hỗ trợ 10 nhóm đối tượng trong ngày hôm qua (14/8). Tỉnh Bình Dương hỗ trợ thêm tiền nhà trọ cho người lao động…".

Cùng với quyết tâm của Chính phủ, với trách nhiệm của lãnh đạo Thành phố, sự hỗ trợ của các địa phương và sự chung sức, sẻ chia của nhân dân cả nước, sẽ không có người dân nào ở TPHCM phải thiếu đói giữa đại dịch. Ở lại Thành phố và cùng chiến đấu chống Covid-19, đó là cách người lao động các tỉnh yêu quê hương thứ hai thiết thực nhất lúc này.