“Tham nhũng du lịch” và “hối lộ du hí”
(Dân trí) - Cần phải yêu cầu bồi hoàn kinh phí đối với những ai lợi dụng “công tác, học tập” để du lịch, mua sắm, rong chơi xứ người bằng tiền thuế của dân và cũng không loại trừ món quà du lịch thực chất là một hình thức đưa và nhận hối lộ của doanh nghiệp với quan chức, phải không các bạn?
Thông tin mới nhất của PV Dân trí từ Cà Mau cho biết, chiều tối ngày 7/9, UBND tỉnh Cà Mau có quyết định mới, cử đoàn cán bộ đi công tác tại Nga với danh sách tham gia chỉ còn 12 người, không có tên vợ của ông Chủ tịch tỉnh UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải.
Cũng thông tin từ PV Dân trí, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ duyệt chi gần 700 triệu đồng cho 03 cán bộ lãnh đạo tỉnh này đi Mỹ trong 11 ngày để quảng bá địa phương.
Chúc mừng báo chí đã phản ánh kịp thời. Chúc mừng lãnh đạo 2 tỉnh đã lắng nghe ý kiến từ báo chí, dư luận và chúc mừng nhân dân hai tỉnh trên bởi không chỉ đỡ phải đóng thuế chi cho những chuyến “công du” của quan chức mà còn đỡ phần nào mang tiếng quê hương.
Tuy nhiên, từ những chuyến du lịch của một số quan chức và người nhà đã đặt ra nhiều câu hỏi. Đó là có hay không việc lợi dụng du lịch như một hành vi tham nhũng, hối lộ?
Cách đây ít lâu, trên BLOG Dân trí, Nhà báo Mạnh Quân đã đặt câu hỏi “có buộc các lãnh đạo, cán bộ, công chức trả lại kinh phí mà doanh nghiệp tài trợ như việc vừa qua một số địa phương đã phải trả lại những quà tặng đắt tiền: Xe hơi, nhà ở... của doanh nghiệp hay không? và đề nghị, đã “cấm nhận xe doanh nghiệp tặng, sao không cấm cả... "những chuyến đi"?”.
Trở lại với hai vụ việc mới đây nhất tại Cà Mau và Thanh Hóa, xin được đặt mấy câu hỏi:
Thứ nhất, nếu như không có sự lên tiếng của dư luận, báo chí thì liệu chuyến đi của phu nhân Chủ tịch UBND Cà Mau có bị hủy hay không? Nếu chuyến đi là quang minh chính đại thì tại sao phải hủy?
Thứ hai ở Thanh Hóa, hãy thử làm một phép tính, với con số đề xuất gần 1.7 tỉ đồng cho 03 cán bộ trong hơn 10 ngày công tác, vị chi mỗi vị “ngốn” gần 600tr, tức là xấp xỉ 60 triệu đồng/ngày.
Tại sao kinh phí chuyến đi của 03 vị cán bộ lãnh đạo Thanh Hóa ban đầu sao lại được đề xuất cao như vậy? 60 triệu đồng là bao nhiêu tấn thóc? Là bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của dân?
Và với 60 triệu đồng/ngày, họ tiêu gì? Tại sao lại tiêu pha kiểu “Xắn tay áo đốt nhà táng giấy” như thế?
Rồi giờ đây, khi UBND tỉnh chỉ duyệt 688 triệu đồng, họ có đi hay không? Sao lại có chuyện chỉ có một chuyến đi con con, dành cho 03 người mà từ dự toán ban đầu đến khi thực duyệt chi lại “đội vốn” lên cả tỉ đồng như vậy?
Nếu giả sử không có phản ánh từ báo chí, liệu việc này có trót lọt và mức chênh lệch cả tỉ đồng đó sẽ được giải trình như thế nào?
Thêm một câu hỏi nữa, đó là hiệu quả của chuyến đi này ra sao? Liệu có mang lại điều gì hay chỉ là một bản báo cáo “nhạt nhẽo” và “vô tác dụng”?
Đây là những câu hỏi rất cần trả lời bởi sự chênh lệch quá lớn giữa “dự kiến” và “thực chi”, giữa hiệu quả và không hiệu quả.
Người dân Thanh Hóa nói riêng, nhân dân cả nước nói chung cần và phải được biết đồng tiền của dân, của nước đã được chi tiêu như thế nào?
Gần đây, đã xảy ra rất nhiều những chuyến đi công tác nước ngoài đầy ngờ vực và vô cùng tốn kém.
Việc một số cán bộ chỉ còn một thời gian ngắn là nghỉ hưu nhưng chẳng hiểu sao “bỗng dưng” nổi hứng đi “học tập” ở nước ngoài hay những vụ “rong chơi, nhảy múa” ở Bộ Công Thương thời ông Vũ Huy Hoàng đã khiến dư luận đặt câu hỏi có hay không hình thức “tham nhũng du lịch” và “hối lộ du hí”?
Đã đến lúc cần phải thống kê cả nước một năm chi bao nhiêu cho những chuyến đi nước ngoài để từ đó, có những biện pháp mạnh mẽ siết chặt việc này.
Thậm chí cần phải yêu cầu bồi hoàn kinh phí đối với những ai lợi dụng “công tác, học tập” để du lịch, mua sắm, rong chơi xứ người bằng tiền thuế của dân và cũng không loại trừ món quà du lịch thực chất là một hình thức đưa và nhận hối lộ của doanh nghiệp với quan chức, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám