Sự lấp lánh đằng sau điểm số

(Dân trí) - Giữa những ồn ào về tiêu cực thi cử xảy ra tại Hà Giang những ngày gần đây, tôi lặng người đọc về trường hợp của một nữ sinh ở Quảng Xương, Thanh Hoá đã nỗ lực vượt khó để đạt kết quả cao trong học tập. Đó là câu chuyện về em Đặng Thị Thương – học sinh Trường THPT Quảng Xương 1.

Sự lấp lánh đằng sau điểm số - 1

Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Thương đạt 27,05 điểm khối A (bình quân môn hơn 9 điểm). Những điểm số ấy là kết quả của một quá trình học tập, tích luỹ, chứ không phải là sản phẩm “phù phép”, “biến hoá” của bàn tay nào đó.

Xuất hiện trong những bức hình mà phóng viên ghi lại, nụ cười tươi tắn, hiền hậu luôn xuất hiện trên gương mặt thông minh của Thương. Thật khó để nhận ra, em đã phải trải qua nhiều biến cố, gian nan.

“Năm Thương lên 8 tuổi, bố em đã không may qua đời do căn bệnh hiểm nghèo. Bố ra đi, để lại mẹ và 3 chị em Thương côi cút. Năm em học lớp 6, nỗi đau lại một lần nữa ập đến với gia đình Thương khi mẹ em được phát hiện mắc căn bệnh ung thư vú”.

Chia sẻ với những nỗi đau mà cô gái 17 tuổi đã trải qua, tôi cũng xin được bày tỏ sự khâm phục vô cùng đối với nghị lực và sự kiên cường đã đưa em tới thành công này.

Vượt qua mất mát, khó khăn về cả tinh thần lẫn vật chất để sống tốt đã rất đáng ghi nhận. Vượt qua một cách xuất sắc và gặt hái được những kết quả mà bao nhiêu người trong điều kiện đủ đầy phải mơ ước thì quả thực rất phi thường.

Không phải điểm số của em, mà chính thái độ sống luôn biết vươn lên, làm chủ số phận của em khiến tôi tin rằng, một tương lai tươi sáng đang đón chờ em phía trước. Tôi chỉ mong sao, sẽ có những phép màu, những hỗ trợ, những sự giúp đỡ đối với gia đình em để mẹ em mau chóng khoẻ lại và có thể dõi theo con đường mà em đi dài hơn và xa hơn nữa…

Cùng với Thương, người viết tin rằng, vẫn còn nhiều, rất nhiều những tâm gương “vượt khó” học tập như em trên đất nước này. Sự thành công đó không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của cá nhân, gia đình các em, mà còn là thứ ánh sáng thắp lên niềm tin vào những điều tốt đẹp ở đời, là cảm hứng để những người xung quanh sống tốt hơn và tử tế hơn với những gì mà mình đang có.

Có thể, các em không có nhiều quần áo đẹp, không được trang bị đầy đủ những điều kiện cho việc học tập, không được tham gia vào các lớp ngoại khoá… Các em cũng không có những cái “ô” vô hình, những sự “bảo đảm” cho quá trình tiến thân về sau. Nhưng nói cho cùng, chẳng có hành trang nào có thể giúp những đứa trẻ đi xa trên con đường đời bằng tri thức, bằng nội lực và tinh thần tự trọng.

Vốn dĩ không ai có thể lựa chọn cho mình nơi sinh ra. Nhưng tôi luôn có niềm tin, bên cạnh may mắn, cơ duyên thì số phận một con người sẽ là do chính người đó định đoạt, bằng tư chất, bằng nỗ lực của mình.

Có thể đâu đó, những người lớn vẫn bóp méo niềm tin vào cuộc đời của con trẻ bằng những hành vi không đúng mực, vẫn dội vào nhiệt huyết lớp trẻ bằng những bất công và gian dối, bằng “chủ nghĩa lý lịch”, “vị thân”…

Song, với sự phát triển của xã hội, có một chân lý không bao giờ thay đổi, đó là “đất lành chim đậu”, người có tài, có đức sẽ tự biết lựa chọn cho mình chỗ đứng và nơi cống hiến.

Chính vì vậy, nếu không trân trọng nhân tài thì sẽ thật thiệt thòi cho xã hội và đất nước!

Bích Diệp