Sự lắng nghe và bản lĩnh của người lãnh đạo

Bích Diệp

(Dân trí) - Nếu chúng ta coi "chống dịch như chống giặc" thì mọi người dân và các cấp chính quyền đều cùng một chiến tuyến, chung một lợi ích và đòi hỏi sự đoàn kết, đồng lòng.

Sự lắng nghe và bản lĩnh của người lãnh đạo - 1

Báo cáo tháng 8 vừa được Bộ Công Thương công bố cho hay, thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, có phạm vi trải rộng trên toàn quốc, tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, động lực tăng trưởng của cả nước.

Cơ quan này đánh giá, việc ách tắc trong sản xuất, lưu thông hàng hóa dù đã và đang được tập trung tháo gỡ quyết liệt; tuy nhiên tại một số địa phương, công tác tổ chức thực hiện có nơi, có lúc còn cứng nhắc, ban hành một số quy định không phù hợp, thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, chưa tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các cơ quan trung ương.

Trong khi đó, các nhà máy, đơn vị sản xuất đóng tại địa phương là một mắt xích của chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nên khi bị gián đoạn đã tác động dây chuyền, gây khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

"Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng, phải trì hoãn, hủy đơn hàng, có nguy cơ bị mất thị trường, thay đổi chuỗi cung ứng", Bộ Công Thương lo ngại.

Từ báo cáo của Bộ Công Thương, thấy rằng, những khó khăn từ phía doanh nghiệp đã phản ánh đến lãnh đạo Chính phủ và cơ quan bộ ngành. Ngoài Bộ Công Thương thì Bộ Giao thông Vận tải cũng đã lưu ý về loạt tỉnh, thành vì chống dịch quá "gắt" mà gây ùn ứ việc lưu thông hàng hóa.

Lý do ưu tiên chống dịch và thận trọng của các địa phương là dễ hiểu trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, những yêu cầu ví như buộc phải "sang xe, đổi tài" hay tài xế phải test tại chỗ thêm một lần nữa dù kết quả xét nghiệm vẫn còn hiệu lực… đã gây ùn tắc nghiêm trọng tại các cửa ngõ.

Chưa nói tới việc làm khó cho doanh nghiệp, hoạt động này nhằm kiểm soát dịch nhưng vô hình trung lại có thể tạo rủi ro lây lan dịch, còn đội ngũ chống dịch của địa phương cũng thêm phần vất vả.

Một người bạn của tôi đang quản lý doanh nghiệp tại một quốc gia phát triển cho biết, việc áp dụng giấy phép lưu thông/đi đường trong điều kiện dịch bệnh hiện nay không phải chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước cũng áp dụng.

Tuy nhiên, một số nơi không nhất quyết yêu cầu chứng từ gốc mà mọi thủ tục đều giải quyết online, doanh nghiệp chỉ cần xuất trình bản scan. "Điều này thể hiện lòng tin và tính trung thực, không có văn bản giả", anh nói.

Như vậy, để hàng hóa lưu thông thuận lợi, nhanh chóng thì cùng với sự thống nhất trong phương án điều hành từ cấp trung ương đến địa phương, còn cần lòng tin của chính quyền sở tại với doanh nghiệp và sự trung thực của doanh nghiệp, người dân khi chấp hành quy định. Mối quan hệ này là biện chứng.

Thực tế cho thấy đã có trường hợp lợi dụng "luồng xanh" để vận chuyển người ra khỏi vùng dịch, hay lại cũng có những người dùng giấy đi đường để trục lợi, kiếm chác, tuy con số này có thể không nhiều, không mang tính đại diện.

Nếu chúng ta coi "chống dịch như chống giặc" thì mọi người dân và các cấp chính quyền đều cùng một chiến tuyến, chung một lợi ích và đòi hỏi sự đoàn kết, đồng lòng.

Dịch sẽ còn kéo dài, chưa thể chấm dứt ngày một ngày hai. Sự nguy hiểm của dịch bệnh không cho phép sự lơ là nhưng các bên cần cùng nhau tìm phương án để lưu thông hàng hóa, cần sự lắng nghe và cùng tìm giải pháp tháo gỡ. Theo đó, trong khi tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp lưu thông hàng hóa thì những cá nhân, tổ chức vi phạm quy định chống dịch phải bị phạt nặng, chế tài đủ sức răn đe.

Đây cũng là thời điểm để các lãnh đạo địa phương thể hiện bản lĩnh của mình trong công tác điều hành. Lãnh đạo địa phương nào cũng quyết tâm giữ được "vùng xanh" và đây cũng chính là mong mỏi của mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân vậy!