Sự kỳ vọng vào ngành giáo dục
(Dân trí) - Sáng 20/10, ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã báo cáo trước Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân về vấn đề giáo dục & đào tạo.
Nội dung này rất đáng quan tâm bởi, giáo dục là nền móng của quốc gia và nghị trường Quốc hội chính là cầu nối nhanh nhất để tiếng nói của cử tri, của người dân đến được với lãnh đạo Chính phủ, đồng thời là cũng là nơi để cử tri thấy được những ý kiến, kiến nghị của họ đang được tiếp thu, xử lý ra sao.
Theo ông Mẫn phản ánh, cử tri và nhân dân bức xúc vì giá sách giáo khoa tăng cao so với năm học trước, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”; thiếu hướng dẫn và thông tin chưa rõ ràng việc sử dụng sách giáo khoa trong nhà trường. Đặc biệt, việc phát hành và đưa vào sử dụng bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 (bộ Cánh diều) gây ra nhiều phản ứng trong nhân dân.
Ông Mẫn ghi nhận, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo có biện pháp khắc phục, tuy nhiên cũng lưu ý “cần thường xuyên kiểm tra việc phát hành, sử dụng sách giáo khoa trong nhà trường”.
Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài học cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài “Cua, cò và đàn cá” trang 115, bài “Hai con ngựa” trang 157, bài “Lừa, thỏ và cọp” trang 163… Việc chỉnh sửa cũng thực hiện theo hướng thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ “nhá”, “nom”, “quà quà”, “chén”… được sử dụng trong các bài học này.
Nhận định về “sự cố” sách giáo khoa tiếng Việt 1 lần này, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, mặc dù việc chỉnh sửa, hiệu đính sách giáo khoa vẫn thường xuyên được thực hiện nhưng để xảy ra bức xúc trong dư luận xã hội về sách Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều có trách nhiệm của Bộ Giáo dục, Hội đồng thẩm định và tác giả, trong đó có công tác truyền thông về việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, việc phản hồi các phản ánh về những điểm chưa phù hợp của sách.
Tuy chưa rõ về trách nhiệm cá nhân, song phát biểu của Bộ trưởng Nhạ cũng đã giúp cử tri phần nào yên tâm hơn.
Còn bản thân người viết nhìn nhận, diễn biến này là tín hiệu đáng mừng.
Đáng mừng là bởi, qua rất nhiều bài báo, rất nhiều trao đổi của độc giả, trong đó có BLOG Dân Trí, các ý kiến đóng góp cũng đã đến được không chỉ với các tác giả của ban soạn thảo, các nhà thẩm định mà còn được ghi nhận bởi lãnh đạo đầu ngành cũng như Chính phủ.
Đáng mừng hơn là Chính phủ đã có chỉ đạo và lãnh đạo Bộ cũng đã đưa ra câu trả lời cụ thể, chi tiết về những việc sẽ làm liên quan đến sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1.
Bộ trưởng Nhạ nói rằng: “Bộ Giáo dục, Hội đồng thẩm định và tác giả cuốn sách trân trọng tiếp thu và cảm ơn các nhà khoa học, giáo viên và cử tri cả nước đã đóng góp nhiều ý kiến, chỉ ra những nội dung chưa phù hợp và mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý để sách giáo khoa ngày càng hoàn thiện, góp phần triển khai thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới”.
Người viết tin rằng, cử tri và tất cả độc giả ở đây sẽ luôn mở lòng và nhiệt tình đưa ra những đóng góp, góp ý mang tính chất xây dựng để nâng cao chất lượng sách giáo khoa, cải thiện giá sách mà rộng hơn là đưa chất lượng giáo dục ngày một tốt hơn, phát triển hơn.
Tuy nhiên, để “phát sinh dư luận” là bất đắc dĩ.
Bộ GD&ĐT cùng những chuyên gia đầu ngành, những tác giả trong ban soạn thảo, trong hội đồng thẩm định… là những người giữ sứ mệnh thiết kế chương trình, truyền đạt kiến thức cho học sinh.
Việc chỉnh sửa, “lọc sạn” trong sách giáo khoa nên chăng chỉ xem đây là một “sự cố” duy nhất, không nên lặp lại. Mỗi thế hệ con em chúng ta chỉ có 1 năm để hoàn thành 1 lớp. Sách giáo khoa gắn với giáo dục nhận thức trẻ và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ ngay cả khi đã trưởng thành, do đó, cử tri sẽ khó chấp nhận nếu vẫn xảy ra “sự cố” tương tự thêm một lần nào khác.
Bên cạnh đó, liệu có hay không “lợi ích nhóm” mà cử tri nghi vấn, cũng cần được lãnh đạo ngành xem xét lại và có câu trả lời thuyết phục.
Sự lắng nghe, cầu thị là đáng quý, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là hành động.
Cử tri chờ đợi nhiều hơn nữa những bước đi đột phá (trong cả tư duy và hành động) của người đứng đầu ngành giáo dục. Đất nước có mạnh hay không, có phát triển, dân chủ, công bằng, văn minh hay không thì trước hết và hơn hết, giáo dục phải lành mạnh và tiến bộ.
Hàng triệu bậc phụ huynh luôn mong mỏi và kỳ vọng!