Sự “khôn ngoan”, “kín kẽ” của ông Đoàn Ngọc Hải?

(Dân trí) - Một bên cho rằng việc làm của ông Hải là vi phạm và phải nhận hình thức kỉ luật. Một bên lại cho rằng đó là hành động đúng, thậm chí còn đáng khen ngợi bởi đã dũng cảm từ chức, một “văn hóa” vốn còn xa lạ với cán bộ, công chức của ta. Theo bạn, đánh giá như thế nào là phải?

Sự “khôn ngoan”, “kín kẽ” của ông Đoàn Ngọc Hải? - 1

Chuyện ông Đoàn Ngọc Hải làm đơn từ chức chỉ mấy giờ đồng hồ ngay sau khi nhận quyết định bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Sài Gòn đã gây lên các luồng ý kiến khác nhau từ dư luận và một số đại biểu Quốc hội, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cơ quan chức năng.

Trên báo Dân trí, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng việc điều động ông Đoàn Ngọc Hải về Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn là phù hợp vì ông Hải có chuyên môn tài chính, từng phụ trách thuế. “Sở Nội vụ và Ban Tổ chức Thành uỷ có nghiên cứu anh Hải có chuyên môn tài chính, từng phụ trách thuế nên về đó là phù hợp” -  ông Phong nói.

Đặt vấn đề có vẻ nghiêm khắc hơn, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng đó là quyết định cá nhân nhưng trong chừng mực nào đó, nó thể hiện sự thiếu tôn trọng với tổ chức.

“Ứng xử như vậy là thiếu tôn trọng với tổ chức và cũng là tự mình thiếu tôn trọng bản thân. Bởi vì nói cho cùng, muốn người ta tôn trọng, đánh giá đúng được mình thì trước hết phải tôn trọng mình và phải có ứng xử chuẩn mực… Tổ chức tôn trọng cá nhân thì cá nhân cũng phải tôn trọng tổ chức”. Bà Tâm bày tỏ.

Đồng tình với bà Tâm, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng không chấp hành quyết định thì nhất định phải xem xét xử lý.

“Việc phân công cán bộ là quyền của các cơ quan quản lý cán bộ, phải tính toán, phân công sao cho phù hợp yêu cầu thực tế của công việc, năng lực, trình độ, sở trường của cán bộ. Cán bộ có quyền nêu nguyện vọng xin chuyển vị trí khác hoặc không làm vị trí đó nhưng quyền quyết định là cơ quan quản lý cán bộ”. Ông Tân khẳng định.

Song, một số đại biểu lại bày tỏ sự đồng tình đối với hành động của ông Hải.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội cho rằng ông Hải là người có liêm sỉ vì dám từ chối một chức danh mà với nhiều người, đây là vị trí “béo bở” có thể “kiếm chác” được.

“Quan điểm của ông Hải phù hợp với quan điểm, chủ trương công tác cán bộ của Đảng, rất phù hợp với các Nghị quyết của Đảng. Bản thân ông Hải rất dũng cảm bảo vệ chủ trương này, là điều rất đáng khen, không thể coi đó là chống quyết định phân công của tổ chức. Nên tôi cho rằng, ông ấy là con người có liêm sỉ, xét ở khía cạnh nào đó thì đây là sự liêm chính của cán bộ”.

ĐB “kỳ cựu” Dương Trung Quốc còn cho rằng việc liên quan đến ông Hải cho thấy cơ chế của chúng ta có vấn đề trong việc sắp đặt cán bộ. “Nếu theo bình thường, ông Đoàn Ngọc Hải là không phục tùng tổ chức. Còn nói đến văn hóa từ chức đó là quyền cá nhân nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa coi đó là quyền được thể hiện trong luật pháp mà vẫn coi đây là sự từ bỏ, né tránh nhiệm vụ”…

Tóm lại, một bên cho rằng việc làm của ông Hải là vi phạm và phải nhận hình thức kỉ luật.

Ngược lại, một bên lại cho rằng đó là hành động đúng, thậm chí còn đáng khen ngợi bởi đã dũng cảm từ chức, một “văn hóa” vốn còn xa lạ với cán bộ, công chức của ta.

Người viết bài này thì cho rằng ông Hải đã rất… “khôn ngoan”, “kín kẽ”. Đó là ông Hải vẫn nhận quyết định điều động và về đó dù chỉ mấy giờ đồng hồ. Sau đó, ông Hải mới làm đơn từ chức vì nhận thấy công việc không phù hợp. Như vậy là về lý, ông Hải không chống lại quyết định điều động mà chỉ xin “từ chức” sau khi nhận thấy công việc không phù hợp.

Nếu thế thì "khôn ngoan" và "kín kẽ"!

Còn theo bạn, trong trường hợp này thì cách nhìn nhận, đánh giá như thế nào là phải?

Bùi Hoàng Tám