Sắc thuế hiếm hoi mà dân… hoan hô
(Dân trí) - 222 tỷ đồng là số tiền tăng thêm chỉ trong vòng nửa tháng thông qua kiểm tra đối với 85.000 bộ hồ sơ và cho kê khai lại thuế liên quan đến hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Hay nói cách khác, trong trường hợp không kiểm tra, yêu cầu kê khai lại thì ngân sách Nhà nước thất thu 222 tỷ đồng, một con số không nhỏ. Nếu mở rộng phạm vi hồ sơ và thời gian kiểm tra, con số chắc hẳn còn nhiều hơn thế.
Cho đến thời điểm này, tình trạng "sốt đất" trên toàn quốc vẫn chưa hạ nhiệt, hoạt động sang tay, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vẫn sôi động từng ngày, từng giờ. Có người khoe mới đặt cọc buổi sáng 20 triệu thì buổi chiều cũng mảnh đất đó đã lãi hơn 50 triệu đồng.
Việc mua đi bán lại đất đai (chủ yếu là đất thổ cư) đã mang lại nguồn lợi lớn cho không ít cá nhân. Trong khi kinh tế có lúc tăng trưởng âm (quý III/2021), doanh nghiệp và đại bộ phận người dân khó khăn do Covid-19 thì nhờ vào đất đai nên vẫn có một bộ phận "giàu lên sau một đêm", "mở mắt ra bỗng thành tỷ phú".
Một người bà con của tôi cho biết, chị đã bỏ nghề chính để đi buôn đất. "Làm gì có nghề nào có thể kiếm được vài ba tỷ đồng trong năm nếu như không nhờ đất đai", chị nói với tôi.
Quả đúng vậy. Một người làm công ăn lương mỗi tháng thu nhập 30-40 triệu đồng được coi là khấm khá, thì mỗi năm chỉ hùng hục "cắm đầu cày cuốc", không ăn không uống cũng chưa tích lũy nổi 500 triệu đồng, và thông thường, khi trang trải thêm các chi phí khác, phải mất nhiều năm mới có thể mua được một căn chung cư ở phố.
Liên hệ đến phần lớn gia đình Việt, tài sản cha mẹ (nếu có) để lại cho con cái thừa kế, hầu như cũng không nằm ngoài hai chữ "đất đai".
Trao đổi với báo chí, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, giá đất ở của Việt Nam luôn luôn tăng và chưa bao giờ giảm. Kể từ khi bắt đầu đổi mới đến nay, giá đất đã tăng hàng trăm lần.
Chính bởi vậy, đất là một cách tích sản với những người có nguồn tiền nhàn rỗi, cũng là cách kiếm lợi nhanh khi xảy ra sốt giá và lạm phát. Dẫu biết rằng, việc người dân bỏ tiền vào nhà đất nhiều lần đầu tư sản xuất kinh doanh là diễn biến bất lợi cho nền kinh tế, nhưng quy luật muôn đời của đồng tiền đó là luôn chảy vào nơi có lợi nhuận.
Xung quanh vấn đề thu thuế bất động sản (như thu thuế căn nhà thứ hai, đánh thuế lũy tiến với sở hữu bất động sản, nâng thuế…) nhằm ngăn chặn đầu cơ, bỏ trống, hoang hóa đất đai, tôi thấy cho đến nay, ngay cả trong giới chuyên gia cũng vẫn còn tranh cãi về hiệu quả.
Có điều tôi cho rằng, trước khi tính đến bổ sung các sắc thuế mới thì việc làm sao tránh thất thu, chống được hành vi trốn thuế, tránh thuế đối với những sắc thuế hiện có đã là một thành công của cơ quan quản lý.
Ngay như đối với thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất hiện nay, làm sao để thu đúng, thu đủ, làm sao để không còn tình trạng giao dịch 2 giá với một lô đất cũng không phải việc dễ dàng.
Còn nhớ hồi năm ngoái, Công an tỉnh Bình Định khởi tố bị can đối với bà Ngô Thị Điều, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng và Du lịch An Phú Thịnh, về tội "trốn thuế" do chuyển nhượng 259 thửa đất với tổng giá trị ghi trên hợp đồng hơn 157 tỷ đồng trong khi giá trị thực tế là hơn 320 tỷ đồng, gây thất thu tiền thuế phải nộp khi chuyển nhượng bất động sản trên 2 tỷ đồng.
Hay cũng có những trường hợp bán nhà thu về hàng tỷ đồng nhưng lại chỉ kê khai trên hợp đồng với mức giá chỉ bằng 1/5 đến 1/10 giá thực tế.
"Trốn thuế" ở nhiều quốc gia là một tội rất nặng. Ở Việt Nam, tội trốn thuế ngoài việc bị truy thu và nộp phạt còn có thể đối diện với án tù. Vậy nhưng, tình trạng này vẫn nhiều tới mức… phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai.
Một cán bộ trong ngành thuế khi trao đổi với người viết cho biết, rất khó để kiểm soát được giao dịch 2 giá đối với một lô đất, và cũng khó mà thu triệt để. Theo đó, với giao dịch đất thổ cư, nếu căn cứ vào mức giá của UBND tỉnh quy định thì thường khó mà bám sát được mức giá trên thị trường lúc cao điểm.
"Một khi người ta đã cố tình trốn thuế thì đương nhiên việc kiểm soát phải có nghiệp vụ và cần sự phối hợp của nhiều bên. Để hạn chế tình trạng này, khả thi nhất có lẽ là quy định hoạt động chuyển nhượng phải thông qua giao dịch ngân hàng" - vị cán bộ trên cho hay.
Có một độc giả của Dân trí khi bàn về nội dung này cũng góp ý rằng, khi mua bán tài sản nên yêu cầu sang tên chính chủ và buộc phải qua các công ty thẩm định giá. Các công ty này nếu hoạt động không nghiêm túc sẽ bị xử phạt nặng để tránh xảy ra những vụ bê bối tương tự AVG…
Nhìn chung, sốt giá thường diễn ra trong một thời kỳ nhất định nhưng đảm bảo tính nghiêm minh về thu thuế, công khai, minh bạch về tài sản lại là việc lâu dài. Nếu mọi giao dịch bất động sản đều được minh bạch, đóng thuế đầy đủ thì ngoài việc chống thất thu thuế, biết đâu còn "truy vết" được cả nguồn tiền tham nhũng? Chẳng phải một công đôi việc hay sao!