Quan tham càng giàu thì lương dân càng khổ!

(Dân trí) - Quan chức Việt Nam với mức thu nhập như hiện nay mà giàu quá thì nói như đại biểu Đỗ Văn Đương “dân không chịu được đâu!”. “Dân không chịu được đâu” không phải vì “ghen ăn tức ở” mà bởi quan tham càng giàu thì lương dân càng khổ.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội 13 đã kết thúc sau một thời gian kéo dài tới một tháng rưỡi với nhiều dự luật và nghị quyết được thông qua. Trong đó, một trong những hoạt động được cử tri quan tâm nhất, đó là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh lãnh đạo chủ chốt của đất nước.

Theo ông Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước.

“Các vị đại biểu Quốc hội đã thay mặt cử tri và đồng bào cả nước thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội để đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Với ý thức trách nhiệm cao và sự chuẩn bị chu đáo, việc lấy phiếu đã được tiến hành nghiêm túc, thận trọng, khách quan, công tâm và chính xác… Kết quả lấy phiếu sẽ giúp cho từng vị được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác”. Ông Hùng nói.

Nhận xét trên của ông Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng là xác đáng bởi thực tế cho thấy nếu bộ, ngành nào có chuyển biến tốt thì người đứng đầu bộ, ngành đó có số phiếu cao và ngược lại. Một số vị lãnh đạo bộ ngành lần bỏ phiếu trước có số phiếu “tín nhiệm cao” thấp, nay do có nhiều nỗ lực nên đã có những bước chuyển “ngoạn mục” như Bộ trưởng Đinh La Thăng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình…

Về sửa đổi Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, sau rất nhiều bàn thảo từ phía cử tri, các đại biểu và Thường vụ Quốc hội, cuối cùng, phương án đã được Quốc hội thông qua, đó là:

Về thời hạn và thời điểm, mỗi năm sẽ chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần vào cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.

Về mức độ tín nhiệm, vẫn giữ nguyên ba mức “tín nhiệm thấp”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm cao” như trước đây.

Một kiến nghị bổ sung đã được UB Thường vụ Quốc hội đã đồng ý tiếp thu và nhiều đại biểu đồng tình, đó là người được lấy phiếu phải kê khai tài sản, thu nhập và cân nhắc việc quy định về thời gian xác minh, làm rõ những vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm.

Đây là điều cử tri cũng hết sức quan tâm bởi việc kê khai tài sản vừa qua đã không phát huy được tác dụng trong công cuộc phòng chống tham nhũng.

Dù có lý giải thế nào chăng nữa thì cũng khó có thể thuyết phục khi mà với hơn một triệu bản kê khai tài sản, chỉ có duy nhất một trường hợp vi phạm và càng khó thuyết phục hơn khi gần đây xuất hiện hiện tượng một số cán bộ cao cấp của các bộ ngành và địa phương khi về hưu bỗng giàu lên đột xuất mà vụ việc của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền là một ví dụ.

Vì vậy, việc kê khai tài sản nếu được công bố rộng rãi đến cử tri và các đại biểu là cần thiết bởi nó là cơ sở để cử tri giám sát đồng thời còn mang “tính răn đe”, nhất là thời điểm công bố lại trước mỗi kỳ lấy phiếu tín nhiệm.

Giàu có đối với ai cũng tốt bởi dân có giàu thì nước với mạnh. Thế nhưng quan chức, nhất là quan chức Việt Nam với mức thu nhập như hiện nay mà giàu quá thì nói như đại biểu Đỗ Văn Đương “dân không chịu được đâu!”.

“Dân không chịu được đâu” không phải vì “ghen ăn tức ở” mà bởi quan tham càng giàu thì lương dân càng khổ.


Bùi Hoàng Tám


BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!