Quản lý vũ khí hay chuyện "mất người mới lo sửa luật"?

(Dân trí) - Vụ nổ súng, sát hại 2 cán bộ cao cấp của tỉnh Yên Bái vừa qua cho đến thời điểm này, vẫn còn dư âm, gây chấn động lớn trong dư luận. Cơ quan chức năng sẽ còn mất nhiều thời gian để làm rõ nguyên nhân vụ việc. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, bước đầu có thể nói, đây là một vụ điển hình về việc lỏng lẻo trong quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Phát biểu thảo luận về Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tại phiên họp do Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội tổ chức ngày 23/8, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban này, ông Lê Việt Trường cũng đã nhận định, sự việc ở Yên Bái đã cho thấy “lỗ hổng” trong việc mang và sử dụng vũ khí.

"Kiểm lâm được mang súng vào cơ quan thế là không ổn”, nhận xét của nguyen Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh thực sự đã khiến nhiều người phải lặng đi, suy nghĩ. Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an hôm đó cũng đồng tình với nhận xét này và đề nghị dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ phải có thêm quy định về cấp phát và trang bị vũ khí.

Nhưng không chỉ ở vụ việc ở Yên Bái, trong thời gian gần đây, đã liên tục xảy ra các vụ việc sử dụng súng quân dụng trái phép.

Vụ thứ nhất, theo Vnexpress ngày 1,8, bài “Người mặc quân phục rút súng, dọa bắn tài xế chửi tục”, sự việc xảy ra ngày 28/7 khu vực ngã tư 550, trên đường ĐT743 thuộc phường Bình Hòa (thị xã Thuận An, Bình Dương), gây chú ý cộng đồng.

Vụ thứ hai, báo Tuổi trẻ, bài “ Trưởng công an xã tới nhà bắn dân ” ngày 23/8 đưa tin, ông Bùi Chí Hiếu, trưởng công an xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, Bình Thuận đã dùng súng bắn 2 phát vào lưng một công dân ở xã này chỉ vì gọi lên xã làm việc đã không lên. Dù chỉ là đạn cao su, nhưng cũng có thể thấy, đây là một trường hợp lạm dụng sử dụng vũ khí.

Lục tìm trên báo chí, còn có hàng loạt các vụ việc lạm dụng, sử dụng súng, gây nhiều hậu quả ở các mức khác nhau. Có người sử dụng súng không đúng quy định là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhưng cũng có rất nhiều đối tượng là tội phạm mua bán, sử dụng súng, vật liệu nổ trái phép…

Chính vì vậy, tại buổi thảo luận về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có ý kiến đề nghị chỉ trang bị vũ khí cho các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và chỉ cá nhân thuộc biên chế tổ chức trong hệ thống cơ quan nhà nước mới được giao quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an còn đề nghị người đi làm nhiệm vụ xong thì phải nộp lại chứ không khi mang vũ khí về nhà riêng, tránh tình trạng "Khi xảy ra ẩu đả, bức bách không cẩn thận đem ra sử dụng luôn…”. Và thực tế, đã xảy ra những chuyện tương tự mà Thứ trưởng Lê Quý Vương đã cảnh báo.

Với những gì đã xảy ra, rõ ràng, cần phải sửa đổi luật nhanh để khắc phục những yếu kém trong quản lý. Tuy nhiên, để có được qui định này, còn phải lấy ý kiến của UB Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, phê chuẩn…

Và như thế, lại thêm một lần tái diễn “Mất bò mới lo làm chuồng”, mất người mới đi lo sửa luật

Song, mong rằng với sự đòi hỏi cấp bách của cuộc sống dự án luật này sớm được sửa đổi, bổ sung để cơ quan quản lý siết chặt hơn việc thực thi, tránh xảy ra câu chuyện đau lòng như ở Yên Bái.

Mạnh Quân