Phòng chống tham nhũng đã qua thời... "đánh trận giả"!
(Dân trí) - ĐB Dương Trung Quốc từng ví von chống tham nhũng ở ta như… đánh trận giả, thử thì “kêu” mà bắn thì “xịt”. Tuy nhiên, gần 2 năm trở lại đây, nhất là từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “nhóm lò”, thì “củi tươi, củi khô đều cháy”.
5 năm đấu tranh, tham nhũng có chiều hướng thuyên giảm là nhận định của Ban Nội chính Trung ương trong báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng khai mạc sáng 25/6 vừa qua.
Song, theo người viết bài này, nhận xét trên có vẻ hơi khiêm tốn. Thực chất, công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua có một bước ngoặt lớn, đặt nền tảng cho phong trào phòng chống tham nhũng sâu rộng trong thời gian tới.
Có lẽ cũng nên nhìn nhận lại một chút quá trình của công việc này. Cách đây hơn 12 năm (1.6.2006), cũng vào năm Tuất (Bính Tuất), Luật Phòng chống tham nhũng có hiệu lực.
Song, suốt hơn 10 năm, nó hầu như rất ít phát huy hiệu quả. Đã có nhiều câu khá nổi tiếng nói về chuyện này như “tắm từ vai” hay “quét cầu thang ngược”. Thậm chí, ĐB Dương Trung Quốc còn ví von chống tham nhũng ở ta như… đánh trận giả, thử thì “kêu” mà bắn thì “xịt”.
Tuy nhiên, gần 2 năm trở lại đây, nhất là từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “nhóm lò”, thì “củi tươi, củi khô đều cháy”.
Hàng loạt những vụ án kinh tế lớn đã và sẽ tiếp tục được đưa ra xét xử. Những vụ án nghiêm trọng, trong đó có cả tướng lĩnh thuộc lực lượng vũ trang cũng “vào lò”. Đã từng có cả những cán bộ thuộc hàng cao cấp nhất của Đảng đã và đang chịu hình phạt rất nghiêm khắc của pháp luật.
Không chỉ lính vực kinh tế, hàng loạt các hình thái tham nhũng tinh vi như tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách, tham nhũng tổ chức, tham nhũng danh hiệu… cũng đã và đang được chỉ đích danh. Những “thanh củi” đó sớm muộn cũng “vào lò”.
Việc chống tham nhũng không chỉ thu lại số tiền bị thất thoát, làm trong sạch đội ngũ mà còn lấy lại niềm tin trong nhân dân. Người dân tin rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam chống tham nhũng “thật” chứ không phải “đánh trận giả” như đã nói ở trên.
Và hiệu quả, đó là sự tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thu nhập quốc dân GDP năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018 đã tăng kỉ lục. Số vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây…
Song, dù có những thành tựu đáng khích lệ, cũng phải công bằng nhìn nhận, công cuộc phòng chống tham nhũng chưa thật sự biểu hiện tính bền vững và thành một phong trào sâu rộng.
Vẫn còn đó những vụ “án điểm”, vẫn còn đó tình trạng trên nóng, dưới lạnh. Vẫn chỉ thấy “lò” và “lửa” ở cấp Trung ương và một vài thành phố. Còn lại, hình như vẫn “mũ ni che tai”, “bình chân như vại”…
Đáng lưu ý là hiện tượng tham nhũng vặt, tuy giá trị từng vụ việc không lớn nhưng tổng thể thì không hề nhỏ. Nó không chỉ nguy hại cho nền kinh tế mà còn làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin của nhân dân.
Nói thẳng, người dân không phải ai cũng quan tâm đến chủ trương, chính sách lớn từ Trung ương mà Đảng trong mắt họ là những đảng viên ngày ngày sống cạnh họ. Phẩm chất, đạo đức của từng đảng viên chính là phẩm chất, đạo đức của Đảng.
Thế nên có thể nói, tình trạng tha hóa, biến chất, đặc biệt là tham nhũng vặt ở các địa phương đang là mối nguy hại làm xói mòn niềm tin một cách hiệu quả nhất.
Dẫu biết rằng phòng chống tham nhũng là công việc trường kỳ, không thể một sớm một chiều và cũng không thể làm theo phong trào mà phải thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, người dân vẫn mong đợi công cuộc này phải quyết liệt hơn, sâu rộng hơn, nhất là không để tồn tại kiểu “trên nóng, dưới lạnh”, “bình chân như vại” ở một số địa phương như hiện nay.
Còn mỗi cán bộ, đảng viên, hãy ghi nhớ lời của TBT Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị: “Cán bộ lãnh đạo các cấp phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật. Công quỹ là của công nên một xu, một hào cũng không được chi dùng bừa bãi; công quyền là vì dân cho nên không được mảy may vì riêng tư”.
Bùi Hoàng Tám