Những người dân “nghèo sang” và những ông quan “giàu hèn”
(Dân trí) - Người xưa hay nói “nghèo hèn”, tức là nghèo thường đi với hèn nhưng không phải cái nghèo nào cũng hèn và càng không phải ai nghèo cũng hèn…
Nếu như ở một số nơi vẫn còn tình trạng “chạy” hộ nghèo, thì ở không ít nơi, một số hộ dân dù còn rất khó khăn vẫn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo. Điển hình có “Cụ ông nghèo 83 tuổi quyết xin ra khỏi... hộ nghèo” (Dân trí ngày 19.1.2016).
Chuyện ông Lang Văn Tần (83 tuổi, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, Nghệ An) ở đơn thân từ mấy năm nay trong căn nhà cũ kỹ, trống trải nhưng vẫn nhờ người làm đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo đang làm “xúc động” nhiều trang báo những ngày qua. Nhiều bạn đọc gửi thư về Dân trí bày tỏ niềm kính trọng.
Song, cái lý do ông Tần đưa ra lại hết sức giản dị, đó là bởi ông muốn “làm gương cho thế hệ con cháu, luôn cố gắng đừng trông chờ vào Nhà nước đối với chính sách này, cho dù tôi không có khả năng lao động, hiện nay tôi đang sống độc thân nhưng không muốn ở trong danh sách hộ nghèo, làm kìm hãm sự phát triển của xã hội”.
Dù rằng, xét hoàn cảnh của ông, chính quyền không đồng ý với đơn này, nhưng chỉ với suy nghĩ giản dị, là làm gương, không ỷ lại vào nhà nước vì không muốn “kìm hãm sự phát triển của xã hội”.
Song, điều đáng mừng là cùng với cụ Tần, ở xã Lục Dạ còn có 6 hộ dân khác, trong đó có hai hộ là đảng viên cũng xin rút khỏi hộ nghèo. Ông Vi Văn Diện đã viết trong đơn những dòng tâm huyết: “Tôi là gia đình đảng viên, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn còn sức lao động, hơn nữa còn con cái trong nhà đủ sức lao động sản xuất, đảm bảo đời sống hàng ngày và đủ khả năng vươn lên xóa nghèo. Tôi xin rút ra khỏi danh sách hộ nghèo”.
Trước hết, phải nói rằng một trong những thành tích nổi bật của Việt Nam nhiều năm qua, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao là công cuộc xóa đói giảm nghèo. Theo báo cáo “Đánh giá nghèo Việt Nam năm 2012” của Ngân hàng thế giới, chỉ trong vòng hai thập kỉ, hơn 30 triệu người Việt Nam đã thoát nghèo.
Không bằng lòng với kết quả này, Đảng, Nhà nước tiếp tục có những chính sách nhất quán, mạnh mẽ hơn để giảm nghèo một cách bền vững nhất đồng thời được biết, từ năm 2016, Chính phủ đã đồng ý cho nghiên cứu chuẩn nghèo đa chiều, trong đó có nghèo về thu nhập, nghèo về thụ hưởng an sinh xã hội như chăm sóc y tế, học tập, nhà ở...
Điều này cho thấy, “chuẩn nghèo” không còn chỉ là đói ăn, thiếu mặc như trước đây quan niệm mà còn nhiều những yếu tố khác.
Song, cũng đã xuất hiện hiện tượng “chạy nghèo” để mong được hỗ trợ ở một số địa phương. Cách đây ít lâu, trả lời câu hỏi về hiện tượng này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cũng thừa nhận: “Tình trạng “chạy” hộ nghèo thì chúng tôi cũng đã nghe phản ánh ở một vài địa phương. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu xem xét lại ở địa phương có tình trạng đó”.
Không chỉ có thế, ở một số nơi, có một số cán bộ lãnh đạo hẳn hoi còn “ăn chặn” trắng trợn của hộ nghèo mà điển hình là vụ “dê lạc” vào nhà quan huyện ở Thạch Thành, (Thanh Hóa) hay “gà lạc” vào nhà quan xã ở Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam...
Có lẽ vì thế cho nên việc xin rút khỏi danh sách hộ nghèo của ông Tần, ông Diện và một số hộ khác ở Nghệ An tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo đã khiến dư luận cảm phục.
Người xưa hay nói “nghèo hèn”, tức là nghèo thường đi với hèn nhưng không phải cái nghèo nào cũng hèn và càng không phải ai nghèo cũng hèn.
Những vị quan chức “dê lạc”, “gà lạc” dù giàu có cũng không thể nói là sang, là không “hèn” và ngược lại, những người giàu lòng tự trọng như cụ Tần, ông Diện thì dù hiện nay họ có nghèo nhưng không ai dám nói họ là “hèn” mà ngược lại, phải không các bạn?
Vương Hà