Những lời thì thầm trong phòng kín

(Dân trí) - “Sự can thiệp của quyền lực và chạy chọt qua quà cáp, người thân quen là hai yếu tố quan trọng tác động đến quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, công chức”.

 

Những lời thì thầm trong phòng kín - 1

 

Đó là ý kiến của ông Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra tại buổi công bố kết quả nghiên cứu việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng diễn ra ngày 29.7.

Thật “thú vị” khi có thêm công bố nhiều trường hợp lái xe, không có bằng cấp, quá tuổi tại một số huyện ở Thanh Hóa được bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng huyện ủy. Quy định về bổ nhiệm cán bộ có đủ, nhưng người ta vẫn bổ nhiệm cán bộ không bằng cấp và quá tuổi. Vậy thì quy định đặt ra chỉ để trang trí.

Kể cả khi có bằng cấp, thì cũng chưa chắc là thứ thiệt. Ví dụ mới toanh, ông Chủ tịch xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội đi nghỉ mát ở Sầm Sơn nhưng vẫn có người đi thi hộ. Lạ hơn là ông có tới 14 môn học có người thi hộ mà ông không thèm biết, ông nói tỉnh queo rằng “không nhờ ai thi hộ”.

Hóa ra thiên hạ có nhiều người thần kinh, tự dưng đi vào phòng thi để thi hộ cho chủ tịch xã mặc dù không có ai nhờ cậy. Ông Sướng nói cho sướng miệng thôi, chứ thiên hạ thừa biết chuyện thi hộ này có căn nguyên từ ông. Mà đâu chỉ có một mình ông Sướng, chuyện bằng cấp thật giả lẫn lộn, mua bán hay thi hộ quá bình thường. Công an phát hiện cả đường dây cung cấp bằng đại học, thạc sĩ giả. Tiến sĩ còn dỏm được thì ba cái bằng vu vơ đáng gì.

Cũng mới đây thôi, bỗng dưng phát hiện 10 cán bộ chủ chốt của xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, tỉnh ĐăK Nông sử dụng bằng giả. Một xã mà có tới 10 cán bộ sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả thì hết lời để bàn. Đến thời buổi này rồi, cái bằng tốt nghiệp cấp ba cũng không có nhưng vẫn làm cán bộ.

Vậy mà họ lãnh đạo dân đấy!

Trở lại phát biểu của Phó Viện trưởng Đinh Văn Minh, để thấy rằng chuyện quà cáp, chạy chọt, thân quen để có chức có quyền rất phổ biến. Ông Minh nói ra những điều mà ai cũng đã biết, chỉ có điều người dân nói thì không “uy tín” như một ông Viện phó mà thôi.

Bàn về tham nhũng nhưng chỉ bàn về cái ngọn nên chữa bệnh tham nhũng cũng chỉ chữa ở cái ngọn. Cái gốc chính là đầu vào cán bộ, vào bằng cách chạy chức chạy quyền thì những cán bộ đó không trước thì sau cũng tham nhũng. Tham nhũng mới có để chi, tham nhũng để lấy lại vốn và thu lãi.

Có một cách hạn chế được tệ nạn chạy chức chạy quyền, đó là tổ chức thi tuyển cán bộ công khai, minh bạch. Một số ngành, địa phương đã làm nhưng chưa nhân rộng, chưa thành quy định chung.

Còn bổ nhiệm cán bộ bằng những lời thì thầm trong phòng kín thì lái xe không bằng cấp và quá tuổi lên làm phó chánh văn phòng huyện ủy có chi là lạ.

Lê Chân Nhân

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!