"Những kẻ giết người hàng loạt" đem cả chục tỷ đồng chạy án. Họ là ai?
(Dân trí) - Ai mê phim ảnh rất dễ thấy trên nhiều kênh phim truyện nước ngoài, hay xuất hiện những bộ phim có mô típ khá giống nhau về những trùm buôn lậu thuốc chữa bệnh, nhưng nhiều khi là thuốc giả, gây ra những cái chết hàng loạt. Ở Việt Nam, chẳng còn là phim ảnh nữa, đó là câu chuyện thật, đang diễn ra với phiên tòa xử Công ty VN Pharma.
Những ai quan tâm đến phiên tòa xử các bị cáo tại Công ty Cổ phần VN Pharma hẳn đã biết nội dung vụ án: Từ tháng 7/2017, đã có 9 bị cáo liên quan bị Tòa án nhân dân TPHCM xét xử vì tội buôn lậu, trong đó có 2 người là lãnh đạo công ty lãnh án 12 năm tù, 7 bị cáo khác nhận án nhẹ hơn cũng về tội buôn lậu và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Tuy nhiên, ngay từ thời điểm đó, dư luận đã hết sức bức xúc vì tính chất rất nghiêm trọng của vụ án này: Các bị can đã có hành vi buôn thuốc giả với khối lượng rất lớn, hối lộ cho nhiều bác sĩ để kê đơn, cấp thuốc cho hàng ngàn bệnh nhân ung thư.
Những bệnh nhân ung thư, như chúng ta đều biết, đa số mắc bệnh hiểm nghèo, không nhiều người có cơ hội chữa dứt bệnh. Nhưng những kẻ buôn bán thuốc giả, cung cấp cho họ, chẳng khác nào đã trực tiếp hay gián tiếp đẩy nhiều người trong số họ đến cái chết nhanh hơn do không được uống thuốc có chất lượng, đúng phác đồ điều trị.
Với việc làm táng tận lương tâm này, những bị cáo trong vụ án khác gì như những kẻ giết người hàng loạt? Thế mà phiên tòa sơ thẩm năm đó, chỉ buộc tội những người này ở tội danh buôn lậu như với các mặt hàng khác là việc rất không bình thường và trên báo chí, mạng xã hội thời điểm đó, đã có rất nhiều ý kiến người dân lên án bản án bất hợp lý này.
May thay, Tòa án nhân dân tối cao đã xem xét lại, chấp thuận kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TPHCM, cho điều tra lại. Và như nhiều tờ báo, trong đó có Dân trí tuần qua đã đăng tải cáo trạng do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố thêm 3 bị cáo, nâng tổng số bị cáo bị truy tố lên 12 với hành vi "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" theo điều 157, khoản 4, Bộ luật hình sự.
Một điều đáng chú ý, ngoài việc làm rõ thêm một số bị can tại Công ty Pharma có hành vi tẩu tán, tiêu hủy tài liệu chứng cớ nhằm trốn tội, cơ quan điều tra còn đã làm rõ việc ông Ngô Anh Quốc, nguyên Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của công ty này đã đem cả chục tỷ đồng, thông qua một số cá nhân khác đi chạy án, hối lộ nhằm thoát tội. Cuối năm 2018, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã xét xử các bị can này và tuyên án mỗi người từ 3-5 năm tù vì hành vi hối lộ.
Nhưng theo dõi phiên tòa, nhiều người cũng chưa đồng tình vì Tòa mới có bản án trừng phạt những kẻ đem lợi nhuận, "hoa hồng" của việc kinh doanh thuốc giả chạy án mà chưa làm rõ, buộc tội những người đã nhận hối lộ, tiếp tay cho họ.
Do đó, mặc dù những kẻ buôn lậu thuốc giả - những người chắc hẳn đã khiến nhiều bệnh nhân ung thư không được điều trị đúng cách, đúng thuốc đã bị kết án, đã thừa nhận tội ác, nhưng những mức xử lý với họ vẫn chưa thể nào xoa dịu được sự tức giận của không chỉ những người bệnh, thân nhân người bệnh mà đông đảo người dân.
Và tất cả đều đang chờ đợi phiên tòa sắp tới của Tòa án nhân dân tối cao sẽ ra bản án trừng phạt cho đúng người, đúng tội mà đặc biệt là có hay không tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, như cáo trạng đã đặt ra.
Mạnh Quân