“Nhận thức cái đẹp là một bài kiểm tra đạo đức”

(Dân trí) - Sự trầm trồ thích thú, tán thưởng và khen ngợi của một bộ phận cư dân mạng trước những tấm ảnh kém thẩm mỹ, lồ lộ “cả tòa thiên nhiên” như mời gọi đã thêm một lần nữa nhắc cho chúng ta về một sự thiếu hụt nào đó trong một bộ phận thanh niên hiện nay.

j


(Minh họa:Ngoc Diệp)

(Minh họa:Ngoc Diệp)

Nghe tin Hải Phòng cho rào tường, treo biển cấm người đến gần hồ nước đang được cư dân mạng gọi là “Tuyệt Tình Cốc” mà thở phào. May quá!

May, không phải chỉ vì nó là vùng hồ nhân tạo, có độ sâu lớn, xung quanh hồ có địa chất không ổn định đe dọa tính mạng con người. May, vì nhờ thế sẽ không có thêm bộ ảnh nhạy cảm nào có cơ hội được thực hiện ở đây để rồi xuất hiện trên mạng và gây sóng dư luận, làm những người xa lạ không nợ nần ân oán bỗng chốc nhảy vào chỉ trích, dè bỉu nhau bất phân thắng bại đến mệt mỏi.

Vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ là một giá trị và những bộ trang phục gợi cảm phô diễn vẻ đẹp ấy xứng đáng được tôn trọng. Ai đó muốn nổi tiếng hay muốn khoe vẻ đẹp của cơ thể mình cũng không phải là một điều gì xấu cần cấm đoán.

Thuần phong mỹ tục không vì một vài bộ ảnh “chưa tới” hoặc “đi quá đà” trong ý tưởng hay trong mục đích (cũng là trong thẩm mỹ hay trong động cơ) mà bị thách thức như ai đó đang lo lắng. Thị hiếu công chúng cũng không vì một vài bộ ảnh khoe thân, kém thẩm mỹ mà bị hạ thấp, như nhiều người vẫn sợ.

Tuy nhiên, ai đó từng nói “Nhận thức cái đẹp là một bài kiểm tra đạo đức”. Biểu hiện non kém, hời hợt, dễ dãi trong nhận thức và hành động của những bạn trẻ thích chụp hình khoe thân thể; Sự trầm trồ thích thú, tán thưởng và khen ngợi của một bộ phận cư dân mạng trước những tấm ảnh kém thẩm mỹ, lồ lộ “cả tòa thiên nhiên” như mời gọi đã thêm một lần nữa nhắc cho chúng ta về một sự thiếu hụt nào đó trong một bộ phận thanh niên hiện nay.

Rõ ràng, nhận thức về Cái đẹp xưa nay vốn phụ thuộc nhiều vào trình độ văn hóa, năng lực cảm xúc cũng như nhu cầu thẩm mỹ của con người. Khi một ai đó bộc lộ nhận thức của họ về Cái đẹp, ta hiểu họ hơn.

Trong câu chuyện ồn ào về bộ ảnh chụp ở hồ nước nhân tạo kia, nhân vật được chụp là những người mẫu chuyên nghiệp trẻ, nhóm người chụp nghe nói cũng là những tay máy chuyên nghiệp trẻ. Có vẻ như bộ ảnh này là một “ý tưởng khởi nghiệp” có đầu tư kỹ càng của họ.

Nếu đúng như vậy thì có lẽ sự “khởi” này hứa hẹn một sự “nghiệp” không mấy thành công. Nó làm ta càng quý hơn những ý tưởng thông thái và tích cực của những người trẻ khởi nghiệp thành công và có nhiều đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng, xã hội.

Cát Thụy