Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã bỏ rong chơi nơi dương thế!

(Dân trí) - Thế là Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, người nghệ sĩ tài hoa quê xứ Nghệ đã mãi mãi ra đi ở tuổi 72 (1947 - 2019). Làng văn chương Việt Nam vốn đã thưa thớt, giờ thêm đìu hiu, quạnh quẽ. Nhất là với Nguyễn Trọng Tạo, cái khoảng trống anh để lại không dễ gì bù đắp bởi anh là nghệ sĩ đa tài.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã bỏ rong chơi nơi dương thế! - Ảnh 1.


Ở tư cách nhà thơ, Thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo nổi tiếng bởi sự tài hoa và mới mẻ với các tác phẩm nổi tiếng như: "Đồng dao cho người lớn", "Nương Thân", "Thế giới không còn trăng", "Con đường của những vì sao- Trường ca Đồng Lộc"…

Với tư cách một nhạc sĩ, anh là tâm hồn Việt thuần khiết với những ca khúc mang âm hưởng dân ca như "Làng Quan họ quê tôi", "Khúc hát sông quê", "Lên Cao Bằng", "Đôi mắt đò ngang"…

Với tư cách họa sĩ, anh là tác giả của nhiều bìa sách sang trọng, từng được nhiều giải thưởng cho loại hình này và đồng thời là tác giả của lá cờ Thơ mà hơn 15 năm qua luôn được kéo lên trang nghiêm trong Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Với tư cách nhà phê bình văn học, anh có nhiều bài giới thiệu cho các tập thơ của nhiều tác giả. Đặc biệt, là tập phê bình văn học nổi tiếng "Văn chương, cảm & luận", mở ra một cách cảm nhận văn chương khác lạ.

Với tư cách nhà báo, trước khi về hưu, anh là Thư ký tòa soạn Tạp chí Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trước đó, anh là một trong những người cầm chịch các tạp chí nổi tiếng một thời như Sông Hương, Cửa Việt. Đặc biệt, anh từng được giao trực tiếp giữ tờ Báo Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam.

Anh từng đoạt nhiều giải thưởng và năm 2012, được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Có một điều kỳ lạ ở anh, đấy là với hàng vạn trang viết đủ các thể loại và nhiều tác phẩm hội họa nhưng không biết anh viết bao giờ, vào lúc nào. Anh sẵn sàng ngồi vui với bè bạn từ sáng tới tối để rồi thỉnh thoảng lại thấy cho ra đời một cuốn sách hoặc một tập thơ vài ba trăm trang.

Hình như con người anh sinh ra để làm một cuộc rong chơi với thế gian. Viết lách với anh chỉ là "chuyện vặt" nhưng mỗi tác phẩm của anh đều mang một giá trị nghệ thuật không hề nhỏ.

Anh như một báu vật mà giời đất sinh ra cho văn chương, nghệ thuật nước nhà. Anh là niềm tự hào của Xứ Nghệ quê hương.

Về tình riêng, người viết bài này may mắn được gần gũi anh ngay từ ngày đầu bước chân lên Hà Nội. Có thể nói anh và Nhà thơ, Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã "túm tóc" tôi lôi lên Hà Nội, ném vào làng báo. Anh là người sửa cho tôi những bài báo đầu tiên và nhìn ở góc độ nào đó, anh như một thầy giáo dạy thực hành cho tôi.

Giờ thì anh đã mãi mãi ra đi. Nhưng anh vẫn còn đó trong tâm hồn những người yêu thơ. Anh vẫn còn đó trong mỗi ca khúc mà anh sáng tác. Anh vẫn còn đó với những trang viết cháy bỏng tình người.

Anh vẫn còn đó trong trái tim người thân, bè bạn và những độc giả yêu mến thơ anh, những thính giả yêu mến ca khúc của anh.

Những ngày qua, trên hầu hết các trang báo đều viết về sự ra đi của anh.

Trên các trang mạng xã hội là rất nhiều những lời yêu thương và nước mắt.

Sống trong lòng nhân dân, còn mãi với thời gian. Đó là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời một người cầm bút.

Anh ra đi, để lại "Làng Quan họ quê tôi" chỉ ít ngày nữa thôi là đến "tháng giêng mùa hát hội…để rồi "Quá nửa đời phiêu dạt – Con lại về úp mặt vào sông quê…".

Vĩnh biệt anh, người nghệ sĩ tài hoa đã bỏ cuộc rong chơi dương thế!

Bùi Hoàng Tám