Người hùng đâu chỉ có ở trong văn chương, phim ảnh!
(Dân trí) - Sau khi cứu bé gái thoát khỏi vụ cháy, nhiều người gọi anh Nam là "người hùng" nhưng anh khiêm tốn cho rằng bản thân là một người bình thường, làm một việc mà ai cũng có thể làm trong hoàn cảnh đó.
Mới đây, câu chuyện của anh Trung Văn Nam, 35 tuổi (quê Thanh Hóa) dũng cảm lao vào đám cháy trong căn nhà 2 tầng ở phường Tương Mai (Hà Nội) để giải cứu một bé gái nhận được sự tán thưởng của nhiều người.
Anh đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen ngợi và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng Bằng khen.
Chia sẻ với PV Dân trí sau vụ cháy, anh Nam cho biết, khi chạy lên tới tầng tum căn nhà bị cháy, anh nghe thấy một tiếng kêu cứu vọng ra. Mất vài giây trấn tĩnh, anh tìm cách để vào bên trong nhưng xung quanh tầng hai căn nhà cháy được quây tôn kín mít, lối vào duy nhất là chiếc cửa sổ có song sắt chỉ vừa một người chui. Sau khi dùng cả chân để đạp phá khung sắt, anh đã chớp thời cơ kéo bé gái ra ngoài.
Bé gái mà anh Nam cứu đang điều trị tại một bệnh viện bỏng tại quận Hà Đông (Hà Nội), do bố mẹ bé mất sớm nên hiện giờ chỉ có bà ngoại của bé đang ở viện chăm nom, còn ông ngoại bé thì phải về nhà dọn dẹp lại đống đổ nát sau vụ cháy.
Về danh hiệu "người hùng" mà nhiều người đặt cho mình, Nam ngượng ngùng đáp: "Tôi chỉ là một người bình thường, làm một việc mà ai cũng có thể làm trong hoàn cảnh đó. Cháu bé bị thương, tôi hi vọng rằng cháu sẽ nhanh chóng được xuất viện và nếu sau này có gặp hoàn cảnh tương tự thì tôi vẫn sẽ hành động như ngày hôm nay đã làm".
Việc làm của anh Nam xuất phát từ cái tâm sáng, từ tình người. Đức tính ấy, chắc hẳn trong người ai cũng có nhưng để đi được từ suy nghĩ tới hành động cần đến lòng dũng cảm.
Sau vụ cháy, nhiều người "ưu ái" gọi Nam với cái tên người hùng, một người hùng bước ra từ đời thật chứ không phải từ trong phim ảnh.
Theo lẽ thường, người hùng là những người tài giỏi hơn người, làm những việc phi thường. Nếu nhìn từ góc độ phim ảnh, người hùng còn có cả siêu năng lực, còn ở trong trường hợp này anh Nam lấy "siêu năng lực" từ sự dũng cảm, và tấm lòng thương người hơn ai hết.
Cách đây không lâu, một người hùng khác là anh Nguyễn Ngọc Mạnh (SN 1990, trú tại thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã cứu sống bé gái rơi từ tầng 12A tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng thuộc quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng được nhiều người tán thưởng và ca ngợi. Anh Mạnh sau đó cũng đã được TP Hà Nội cùng các cơ quan, đoàn thể địa phương khen thưởng, tôn vinh.
Trái ngược với những hình ảnh đẹp của anh Nam hay anh Mạnh, cách đây ít lâu, báo Dân trí đăng tải thông tin ở tỉnh Bình Dương, về một nam thanh niên đi xe máy tự ngã nằm quằn quại trên đường, sau sự cố, có khoảng 4 - 5 chiếc xe máy đi ngang qua vị trí nạn nhân gặp nạn nhưng tất cả chỉ nhìn lướt qua rồi "làm ngơ" bỏ đi. Sau đó, thanh niên này bị một chiếc xe khách cán chết thương tâm.
Thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ hỏa hoạn khiến nhiều người thương vong, trong đó có vụ cháy nhà khiến cả gia đình tử vong rất thương tâm. Thiệt hại tài sản từ các vụ cháy nổ cũng như hậu quả lâu dài của nó là rất lớn.
Tiếc rằng việc phòng chống cháy nổ ở hộ gia đình vẫn là một khoảng trống không nhỏ. Những căn nhà thiết kế kín cổng cao tường, trong phòng chống dịch Covid-19 có thể trở thành một pháo đài, hay bình thường để bảo vệ của cải khỏi nạn trộm cắp tài sản thì khi xảy ra hỏa hoạn vô tình khiến nạn nhân không có lối thoát.
Trở lại với hành động của anh Nam, một việc làm tương phản với "căn bệnh" về sự vô cảm đang ngày một phổ biến trong xã hội ngày nay.
Xã hội đang ngày càng phát triển. Chính sự phát triển "chóng mặt" này lại là tác nhân khiến cho thái độ sống của nhiều người với nhau trở nên xa lạ. Guồng quay cuộc sống kéo họ vào những bận rộn, hối hả đời thường. Và thái độ sống vô cảm, thờ ơ cũng từ đó mà hình thành nên.
Vô cảm chính là thái độ sống lạnh nhạt, thờ ơ với những người ở xung quanh. Bản thân chúng ta không quan tâm, không có trách nhiệm đối với chính bản thân mình và với người khác. Khi đất nước ngày càng phát triển thì vô cảm càng dễ dẫn đến thành một loại bệnh, cần phải tìm "phương thuốc" để chữa trị căn bệnh này, nối gần hơn nữa tình cảm giữa người với người.
Rất mừng là trong cuộc sống hiện đại không phải quá khó để tìm thấy những người hùng như anh Nam hay anh Mạnh... họ có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu khi ai đó gặp hoạn nạn hay cần giúp đỡ.
Mỗi người đều có thể tự trở thành "người hùng" khi người ta không còn sống vô cảm, biết hi sinh cho người khác và điều đó cũng chính là tự giúp bản thân mình ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Trần Thanh