Nghĩ về 63 chữ trong thư Đại tướng gửi GS. Châu

(Dân trí) - Cuốn “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự nghiệp khoa học, giáo dục và đào tạo” của NXB Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vừa ra mắt đã nhận được sự chú ý của dư luận, đặc biệt trong đó lần đầu tiên công bố Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi GS. Ngô Bảo Châu.

(Ảnh tư liệu của NXB Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)

(Ảnh tư liệu của NXB Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)
 
Ngay sau khi nhận được tin GS. Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields danh giá về Toán học năm 2010, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư chúc mừng tới GS. Châu. Bức thư giản dị, chứa chan tình cảm của một vị tướng “khai quốc công thần” tới một giáo sư trẻ đã thể hiện tấm lòng, tình cảm, sự quan tâm sâu sắc và đặc biệt là niềm tin tưởng vào thế hệ trí thức trẻ Việt Nam.

Trong bức thư chứa chan tình cảm đó, có 63 chữ không chỉ khiến những nhà giáo dục Việt Nam phải suy nghĩ. Đó là: “Thành tựu khoa học mà nhà toán học trẻ Ngô Bảo Châu đạt được đã khẳng định: Với một môi trường hoạt động khoa học thực sự dân chủ, bình đẳng, khuyến khích tư duy độc lập và tinh thần tự do sáng tạo, trí tuệ Việt Nam hoàn toàn có khả năng vươn tới những đỉnh cao trí tuệ của nhân loại”.

Công bằng mà nói, những thành tựu mà GS. Châu có được hôm nay công lao phần lớn thuộc về các nhà khoa học và môi trường giáo dục nước Pháp. Nói cách khác, nếu Ngô Bảo Châu ở Việt Nam thì không thể có một GS. Ngô Bảo Châu của ngày hôm nay. Đó là một sự thật bởi giống như cái cây muốn tốt không chỉ cần một hạt giống tốt mà còn phải cần đến mảnh đất tốt, thời tiết tốt và người gieo trồng, chăm sóc tốt.

GS. Ngô Bảo Châu đã có may mắn hội tụ được tất cả các điều kiện lý tưởng đó.

Trong thư gửi GS. Châu, Đại tướng đã khẳng định “trí tuệ Việt Nam hoàn toàn có khả năng vươn tới những đỉnh cao trí tuệ của nhân loại”- Tức là ta đã có hạt giống tốt. Thế nhưng dường như ẩn sau đó là một loạt các câu hỏi đó là chúng ta đã có một “môi trường hoạt động khoa học thực sự dân chủ, bình đẳng, khuyến khích tư duy độc lập và tinh thần tự do sáng tạo” hay chưa. Câu trả lời không thể khác ít nhất là đến thời điểm này có lẽ là chưa.

Với 63 chữ trong bức thư vẻn vẹn có 313 tchữcủa vị Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chính là câu hỏi không chỉ đặt ra cho nền khoa học nước nhà.  

Nói cách khác, khi mà chưa có hoạt động khoa học thực sự dân chủ, bình đẳng, khuyến khích tư duy độc lập và tinh thần tự do sáng tạo thì nền khoa học Việt Nam vẫn nằm trong vùng trũng và việc chiếm lĩnh đỉnh cao trí tuệ vẫn còn là một giấc mơ xa vời, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!