“Mưa” điểm 10, những điểm liệt & sự phi thường của học sinh lớp 8

(Dân trí) - Trong tuần vừa rồi, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố kết quả thi THPT quốc gia 2017. Một kỳ thi nhiều tranh cãi khi chứng kiến sự “bùng nổ” điểm 10 so với kỳ thi năm 2016. Tổng số điểm 10 năm nay lên tới 4.200 bài thi, tăng hơn 60 lần so với năm trước.

“Mưa” điểm 10, những điểm liệt & sự phi thường của học sinh lớp 8 - 1

“Hoa mắt” trước cơn mưa điểm 10, nhiều người tỏ ra nghi ngờ về tính trung thực của những điểm số, hay cho rằng đề thi quá dễ, rồi lo lắng các trường đại học sẽ chọn sinh viên ra sao khi điểm các thí sinh đều cao chót vót…

Cho đến khi Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm thi, cho thấy, hầu hết các bài thi, môn thi đều có điểm trung bình từ khoảng 4,5 – 6,5 điểm, giá trị của điểm trung bình gần sát với điểm trung vị. Như vậy, hóa ra là vẫn còn một bộ phận thí sinh có điểm thi cực kỳ thấp.

Chẳng hạn, riêng phổ điểm thi môn ngữ văn, cả nước có tới 510 học sinh bị điểm liệt, tức là từ 1 điểm trở xuống. Hay như môn toán có 278 điểm 10 nhưng cũng có 761 điểm 0. Theo phân tích TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT trường ĐH FPT thì nguyên tắc của việc thi trắc nghiệm là không có điểm 0, thí sinh không biết làm mà “đánh bừa” cũng đã được 2 điểm. Nghĩa là những em bị 0 điểm có thể không hề làm bài thi! Đây là điều mà chúng ta cần suy nghĩ.

Cho đến nay, tôi vẫn có cảm giác rằng, tư duy của chính những bậc phụ huynh chúng ta đang sa đà trong một nền giáo dục lấy thi cử làm trọng. Đành rằng, có học thì phải có thi. Ai cũng mong Bộ GD&ĐT sẽ mang đến một kỳ thi chất lượng, phản ánh đúng năng lực thực tế của con em mình nhất. Thế nhưng, giữa những so đo thiệt hơn về điểm thi trên bài làm của các em, có lẽ chúng ta nên nhìn thẳng vào thực lực, vào nguyện vọng, vào cách lựa chọn tương lai mà các em muốn thổ lộ.

Sự tâng bốc của gia đình và xã hội với các em sau một kỳ thi không thể đảm bảo cho các em một tương lai tươi sáng và bền vững sau này. Và cả những thất bại trước ngưỡng cửa đại học cũng chưa hẳn là khép lại tất cả những nỗ lực, ý chí phấn đấu của các em.

Với tôi, bất cứ điểm số nào có được cũng đều đáng quý. Nhưng có lẽ, chúng chỉ thực sự có ý nghĩa khi là thành quả của những cố gắng, nỗ lực mà các em – những thanh niên 17-18 tuổi đã thực sự trưởng thành - bỏ ra để chịu trách nhiệm cho chính tương lai, cuộc đời mình, chứ không phải là kết quả của sự may rủi, của thái độ sống hời hợt, hay đơn giản là “học vì sĩ diện gia đình và mong mỏi của bố mẹ”.

Cách đây độ một tuần, tôi thực sự lưu tâm đến thông tin về em Nguyễn Thanh Bình, một học sinh lớp 8 ở Ninh Bình, mới chỉ 14 tuổi nhưng đã có thể sáng chế ra máy rửa bát đĩa thông minh giúp người nội trợ giải phóng sức lao động. Hay một em học sinh khác cũng cùng độ tuổi là em Trần An Khánh ở TP Cần Thơ đã sáng chế bộ sản phẩm giám sát bệnh nhân với tên gọi SmartCare với mong muốn giảm thiểu tỷ lệ người bệnh bị đột quỵ, hoặc bị tai nạn té ngã mà người nhà không biết.

Tâm lý thông thường của chúng ta khi tiếp cận các thông tin trên thường là chẹp miệng: “Ôi, con cái nhà người ta!”. Nhưng biết đâu, con cái nhà mình lại có những đam mê, sở thích khác, những điểm mạnh mà ngay cả gia đình cũng không quan tâm, thậm chí đôi khi còn không ủng hộ? Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh về nền giáo dục thực nghiệm, học để ứng dụng, để phục vụ bản thân, cộng đồng chứ học không phải để lấy điểm, kiếm bằng cấp.

Cá nhân tôi cho rằng, học hành, thi cử không phải là một nghĩa vụ mà là quyền lợi của mỗi người. Nếu các em không muốn học đại học hoặc không đủ khả năng để học đại học, có thể hướng cho các em học nghề - một nghề phù hợp với các em, thay vì chu cấp cho các em sống như những chú gà công nghiệp để có danh “sinh viên” trong một trường đại học mà chỉ cần mươi điểm cũng đã trúng tuyển đầu vào.

Bởi hiện nay, xã hội đã lâm vào cảnh “thừa thầy thiếu thợ”. Một người thợ giỏi, có trách nhiệm có lẽ sẽ có ích hơn một cử nhân, một người ôm tấm bằng thạc sĩ nhưng không biết làm chủ cuộc đời mình.

Bích Diệp