Một sự dối trá khó tha thứ!
(Dân trí) - Thời gian qua, sau khi rà soát 60.000 hồ sơ người có công, Thanh tra bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phát hiện có tới 12.000 hồ sơ có dấu hiệu không đúng quy định (chiếm tới 1/5), trong đó có 1.800 trường hợp buộc phải thu hồi vì hồ sơ giả mạo, chi sai.
Nhiều địa phương, tỷ lệ hồ sơ sai phạm lên tới 40%. Hiện đã có tới 134 cán bộ sai phạm hoặc thiếu trách nhiệm trong lập và xác nhận hồ sơ người có công bị đề nghị xử lý. Chỉ 5 hồ sơ kê khai sai ở một xã thôi đã gây thất thoát hơn 500 triệu đồng tiền ngân sách (nguồn tin từ VTV24).
Ưu đãi người có công với đất nước là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, đó vừa là trách nhiệm ghi nhận, tôn vinh vừa là lòng biết ơn sâu sắc của đất nước, nhân dân đối với những cống hiến của người có công. Tuy nhiên, có một điều đáng buồn là không ít cá nhân đã lợi dụng chính sách này để trục lợi bằng cách làm giả, khai man hồ sơ.
Các đợt rà soát lại việc thực hiện chính sách người có công của cơ quan chức năng tại 29 tỉnh thành đã cho thấy hầu hết các địa phương đều có những trường hợp không đúng quy đinh, hưởng sai về chính sách, đặc biệt trong khu vực các đối tượng bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh. Không chỉ cá nhân cố ý khai man, nhiều hồ sơ người có công giả có sự tiếp tay của chính quyền địa phương.
Hàng nghìn hồ sơ người có công giả được thanh tra của bộ Lao động Thương binh và Xã hội phát hiện cho thấy nhiều cách thức, thủ đoạn khai man như đi bộ đội sau 1975 nhưng lại khai đi từ chống Mỹ, giả mạo giấy chứng thương, giả mạo hồ sơ gốc, thậm chí mượn Huân chương của người khác để khai là của mình... Việc nhiều người hưởng sai chính sách nhiều chục năm nay đã gây tổn thất lớn cho ngân sách quốc gia.
Sự lỏng lẻo trong việc xác minh lập hồ sơ từ chính quyền cơ sở và từ đội ngũ các cán bộ pháp y và lòng tham của một số cá nhân đã để lại hậu quả là hàng ngàn tỷ đồng chính sách bị trục lợi, hiện chưa thể thu hồi lại.
Nhưng không chỉ có thế. Sự dối trá này không chỉ đem lại tổn thất cho ngân sách quốc gia mà còn xúc phạm tới những người có công đang hưởng chính sách và tới tất cả chúng ta. Chúng ta luôn coi sự tri ân, quan tâm chăm sóc người có công với đất nước là một trách nhiệm thiêng liêng, là đạo lý làm người “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Người ta đã lợi dụng đến cả những đóng góp xương máu mà người có công dành cho đất nước và tình cảm thiêng liêng mà đất nước, nhân dân dành cho người có công. Thành tích giả, mộ giả và bây giờ là tổn thất giả… để trục lợi từ ngân sách người ta đã không từ một ngóc ngách, thủ đoạn nào.
Đồng tiền chỉ là sự đền đáp tối thiểu cho những mất mát, hy sinh trong chiến tranh của người dân, cao hơn sự đền đáp vật chất này, cái mà những người có công với đất nước cần là tình cảm, thái độ trân trọng của đội ngũ những người thực thi chính sách, những người được ủy nhiệm từ Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
So với tổng số gần 10% dân số thuộc diện hưởng chính sách thì con số 12.000 trường hợp sai phạm không phải quá lớn, nhưng một sự bất tín vạn sự bất tin. Khi sự tri ân của đất nước đối với những hy sinh xương máu của nhân dân bị một số cá nhân lợi dụng, lòng biết ơn của nhân dân đối với những cống hiến của người có công bị lừa dối thì đồng nghĩa điều thiêng liêng nhất đã bị lòng tham xâm hại. Nỗi buồn nó đem đến không hề nhỏ chút nào.
Cát Thụy