Một bài toán cũ và có ai khổ như thế không?
(Dân trí) - Đó là bài toán tăng lương cho giáo viên, một bài toán cũ, rất cũ bởi cách đây khoảng mười năm, khi còn là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Thiện Nhân (nay là Bí thư Thành ủy TP HCM) từng đề xuất việc này và đã không được chấp nhận.
Lần này, đến lượt Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lại tiếp tục đề xuất. Thế nhưng trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề xuất này không thấy xuất hiện. Lý do, chưa nhận được sự đồng thuận của một số bộ, ngành. Dư luận xã hội cũng chia thành hai phía, đồng tình và không đồng tình.
Về ý kiến đồng tình, với mức lương hiện nay, đời sống giáo viên vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Việc tăng lương sẽ tạo điều kiện để giáo viên chuyên tâm với công việc, tập trung cống hiến, tạo động lực thu hút người giỏi vào sư phạm, giảm tiêu cực trong giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ…
Trả lời trên báo Dân trí, GS Phạm Minh Hạc cho biết: “Tôi đã từng nói nhiều lần về việc muốn tăng chất lượng giáo dục phổ thông, trước hết phải chăm lo đội ngũ nhà giáo. Thầy cô giáo không an tâm để giảng dạy, sao nâng cao chất lượng giáo dục? Đó là chân lý của nhiều nước hàng thế kỉ nay”.
Có một hiện thực, đó là nhiều năm nay, các trường sư phạm rất khó tuyển sinh. Đã có thời điểm điểm chuẩn tại một số trường chỉ 9 điểm là đỗ. Đầu vào như vậy, tất nhiên chất lượng đầu ra không thể tốt và thầy không giỏi, lấy đâu ra trò giỏi? Trong khi đó, nếu đầu vào chỉ có 3 điểm/môn thì không thể nói giỏi mà kém, rất kém.
Tuy nhiên, ý kiến không đồng tình không phải không có lý. Thực tế hiện nay, so với thang bảng viên chức công chức thì lương giáo viên không hề thấp. Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đều cho rằng cần đảm bảo sự tương quan chế độ lương giữa các ngành nghề. Trong khi nhà giáo đã được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức cao nhất đến 70% và phụ cấp thâm niên nghề đã là một sự “ưu đãi đặc biệt”.
Mặt khác, có một khó khăn không nhỏ, đó là “miếng bánh ngân sách” hiện nay còn eo hẹp trong khi ở nhiều địa phương, số lượng giáo viên chiếm khoảng 80% đội ngũ công chức, viên chức. Cho nên, nếu tập trung quá nhiều cho giáo dục, sẽ ảnh hưởng đến những ngành nghề khác, đó là chưa kể tạo sự bất bình đẳng như với cán bộ y tế chẳng hạn.
Như vậy là bài toán trở nên khó giải bởi muốn có đội ngũ giáo viên chất lượng thì cần phải tăng lương mà muốn tăng lương thì phải có tiền đồng thời cũng không thể không tăng cho một số ngành khác…
Song nhìn lại thì việc tăng lương cho giáo viên cần, rất cần nhưng có một thứ còn cần hơn, đó là sự minh bạch trong tuyển dụng, thân thiện của môi trường, tôn trọng trong nghề nghiệp và sự ổn định trong công việc.
Chỉ nói riêng với việc tuyển dụng, đây là lĩnh vực mang khá nhiều điều tiếng mà gần đây nhất tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), nhiều giáo viên đã lên tiếng tố cáo họ phải chung chi hàng trăm triệu đồng để có được hợp đồng lao động. Hiện, lực lượng công an đã vào cuộc, xác minh.
Bỏ ra hàng trăm triệu đồng để “mua” một suất dạy hợp đồng với lương tháng khoảng hơn triệu bạc cùng với niềm hi vọng mong manh được vào biên chế, có ai khổ sở đến như thế không?
Bùi Hoàng Tám