Lá đơn “kỳ quặc… nhất thế giới!”

(Dân trí) - Đó là chuyện về một lá đơn được nhà báo Duy Chiến đăng tải trên TuanVietnamNet với cái tít rất “lạ”: “Muốn mặc quần, hãy… làm đơn”.

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Bài báo viết rằng “dù “cải cách hành chính” đang là nhiệm vụ quan trọng, song hội chứng “làm đơn” chưa vì thế mà giảm bớt. “Nhiều người dân vì muốn được việc, vẫn bị quán tính “làm đơn” chi phối, bất kể nhu cầu làm đơn đó đúng hay sai.  Xung quanh “hội chứng” này có nhiều chuyện dở khóc dở cười…”.

Chuyện “đơn xin” có nguồn gốc từ thời phong kiến, khi mỗi người dân là phận “con sâu, cái kiến” ngước lên xin “đèn giời soi xét”. Đó là thời mà công dân chỉ là “thần dân”, quan là “phụ mẫu”. Vì vậy, ngay những ngày đầu độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra chủ trương “giáo dục lại nhân dân” mà theo Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc trong bài “Phong trào Thi đua và nhiệm vụ "giáo dục lại nhân dân" của Bác” đăng ngày 11/6/2008 trên Vietnam Nét thì sau “cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, một nền chính trị mới được xác lập, nhưng nhân dân vốn là những thần dân của một xã hội phong kiến từng tồn tại cả ngàn năm, những thuộc dân của một chế độ thuộc địa đã kéo dài ngót một thế kỷ không thể ngay lập tức trở thành những công dân của một xã hội mới. “Giáo dục lại nhân dân” chính là quá trình cải biến thành”. Nói tóm lại, giáo dục lại nhân dân là để người dân biết “vị thế công dân” của mình thay bằng “thân phận thần dân” thời phong kiến.

Trong xã hội có nền công chức dịch vụ, người dân là chủ, công chức là người làm thuê, được trả từ tiền thuế của dân. Trong xã hội Việt Nam, công chức còn là “đầy tớ của nhân dân” như lời của Hồ Chủ tịch.

Thế nhưng, có lẽ do quá chìm sâu trong phận “thần dân” nên không ít người dân vẫn chưa biết nhiều đến vị thế công dân của mình. Cán bộ thì ngược lại, không ỉt người vốn từ “thần dân”, bỏ qua giai đoạn “công dân”, tự coi mình là người cai trị.

Trở lại với bài báo trên, tác giả băn khoăn rằng gần như trong quan hệ với cơ quan công quyền, quan hệ dân sự hay tranh chấp, tất cả đều phải làm “đơn” và “đơn xin”. Ví dụ như nếu cái đồng hồ điện bị hỏng hoặc chạy quá nhanh, dù là “thượng đế” thì việc đầu tiên là phải làm “đơn xin” để được kiểm tra hoặc thay đồng hồ mới!

Rồi ở thành phố, nếu nhà bị hỏng, bị giột vào mùa mưa, muốn sửa chữa thì cũng phải có “đơn” gửi phòng quản lý đô thị... Nếu không, khi bao xi măng vừa về tới lập tức đã có người của cơ quan chức năng xuất hiện lập biên bản vì “không xin phép”!

Song, thú vị là tác giả kể lại câu chuyện làm đơn xin… mặc quần ở một bệnh viện thuộc vùng ĐBSCL. “Thực hiện chủ trương chỉnh đốn phong cách, trang phục của Sở Y tế, bệnh viện này quyết định toàn thể cán bộ, công nhân viên phải chuẩn hóa trang phục, trong đó nữ giới phải mặc váy ngắn. Với các nữ hộ lý, nữ y bác sĩ trẻ tuổi thì đồng phục váy không có vấn đề gì.

Nhưng với các chị em lớn tuổi, thân hình không còn “mi nhon”, bắp chân đã quá khổ thì bắt mặc váy chẳng khác chi… đày đọa! Họ mất ăn mất ngủ, chủ tịch công đoàn phải mở cuộc họp lắng nghe kiến nghị của các nữ đoàn viên. Kết thúc cuộc họp, nguyện vọng chính đáng của chị em được chuyển lên Ban Giám đốc.

Để có cơ sở giải quyết, giám đốc yêu cầu phải có “đơn”. Thế là một lá đơn ký tên tập thể có tên là “Đơn xin… mặc quần” do công đoàn chuyển lên cấp trên!”

Chợt nhớ đến cái bài ca dao thuộc từ ngày nhỏ, nói về chuyện “cấm quần không đáy” thời vua Minh Mạng: “Tháng sáu có chiếu vua ra – Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng – Không đi thì chợ không đông – Đi thì phải mượn quần chồng sao đang”.

Không biết nơi nào trên thế giới này có tờ đơn “kỳ quặc” như ở Việt Nam ta không nhỉ?

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!

 

.