Kỳ vọng vào một Quốc hội chuyên nghiệp và hiệu quả
(Dân trí) - Chất lượng của đại biểu chuyên trách trong Quốc hội là rất quan trọng để Quốc hội hoạt động hiệu quả hơn, nhưng yếu tố quyết định vẫn là tính chuyên nghiệp của người đại biểu nhân dân.
(Đại biểu Phùng Văn Hùng phát biểu tại hội trường - ảnh: Quốc Chính)
Ông cha ta có câu "ăn cây nào, rào cây ấy", nhưng có một số đại biểu chuyên trách làm việc cho Quốc hội mà lại "không ăn cơm Quốc hội". Điều này dẫn đến những mâu thuẫn lợi ích khi việc đề bạt, cất nhắc với những đại biểu biệt phái sang Quốc hội này vẫn do cơ quan Chính phủ quyết định, khó có thể toàn tâm, toàn ý hoạt động cho Quốc hội.
Băn khoăn trên đã được đại biểu Phùng Văn Hùng nêu tại phiên thảo luận sáng 26/3. Đại biểu này đề nghị, những người được chuyển về làm đại biểu Quốc hội chuyên trách thì toàn bộ chế độ, chính sách đại biểu cần được áp dụng như mọi đại biểu Quốc hội chuyên trách khác, để phòng ngừa tình trạng "làm việc cho cây táo, nhưng lại đi rào cho cây sung".
Đây có lẽ cũng là trăn trở của nhiều cử tri và đại biểu khác. Mục tiêu cuối cùng là khẳng định vai trò, hiệu quả của Quốc hội, nhằm đảm bảo mọi đại biểu Quốc hội đều tận tâm, tận lực cống hiến cho Quốc hội, thực hiện trọn vẹn sứ mệnh mà cử tri giao phó.
Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nhân dân. Việc các đại biểu Quốc hội hoạt động hiệu quả, đúng vai trò, chức năng cũng là thể hiện rõ nét về một Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Còn nhớ tại bài viết "Sắm tròn vai" đại biểu của dân! đăng trên BLOG ngày 10/11/2020, người viết từng dẫn ý kiến của TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: "Các đại biểu chuyên trách là cái chúng ta đang có, nhưng có lẽ các đại biểu chuyên nghiệp mới là cái chúng ta cần".
Chia sẻ với sự trăn trở, băn khoăn của đại biểu Phùng Văn Hùng, bản thân người viết cho rằng, việc nâng cao số lượng (hiện đã được nâng lên ít nhất 40%) và chất lượng của đại biểu chuyên trách trong Quốc hội là rất quan trọng để Quốc hội hoạt động hiệu quả hơn, nhưng yếu tố quyết định vẫn là tính chuyên nghiệp của người đại biểu nhân dân.
Ngay cả khi đại biểu Quốc hội nắm chức vụ trong chính quyền, thì một người đại biểu chuyên nghiệp sẽ không bị nhầm lẫn vai trò. Thậm chí, thông qua quá trình tiếp xúc cử tri, lắng nghe phản ánh của cử tri sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong cơ quan chính quyền.
Đồng thời, một vị đại biểu Quốc hội từng có thời gian làm công tác chính quyền, cũng sẽ hiểu rõ hơn về các vấn đề cần chất vấn và giám sát.
Mười năm trước, ông Nguyễn Sinh Hùng cũng đã đề cập đến vấn đề này khi "chuyển vai" từ Phó Thủ tướng Chính phủ sang vai trò Chủ tịch Quốc hội, chuyển từ "chế độ thủ trưởng" sang "chế độ nghị trường". Một khi cá nhân "người của Quốc hội" tự nhìn nhận được nhiệm vụ và sứ mệnh của bản thân, tin rằng sẽ không bao giờ "nhầm ghế", nhầm vai trò.
Với những thành tựu mà đất nước đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, đại biểu Quốc hội ghi nhận bản lĩnh điều hành của bộ máy Chính phủ khi vừa xử lý những vấn đề cấp bách, vừa xây dựng các chính sách quản lý..., đặc biệt là trong ứng phó với đại dịch Covid-19.
Một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt và phục vụ nhân dân; một Chính phủ có nhiều quyết tâm lớn, trong đó có quyết tâm xây dựng một Chính phủ nói đi đôi với làm; Chính phủ gần dân, sát dân, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc phát sinh liên quan đến đời sống của nhân dân.
Song đồng hành của với thành công đó còn có vai trò giám sát của Quốc hội, có sự góp ý thẳng thắn, mang tính chất xây dựng của các đại biểu Quốc hội với mỗi hoạt động của Chính phủ.
Trong nhiệm kỳ tới, để thực hiện được những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, nhiệm vụ với Chính phủ đầy thách thức, nặng nề. Cử tri và nhân dân lại càng kỳ vọng nhiều hơn nữa vào Quốc hội, vào sự chuyên nghiệp của các đại biểu Quốc hội, thực hiện đầy đủ, trọn vẹn chức năng giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, quyết định chính xác những vấn đề quan trọng… Từ đó, sớm đưa đất nước đến với những kỳ tích mới.