Kỹ sư, thạc sĩ… xe ôm và “sĩ diện” người trẻ!

(Dân trí) - Đội ngũ thất nghiệp “trí thức” này, tưởng như không ảnh hưởng gì đến xã hội: Có ăn học đàng hoàng, chẳng đến nỗi hút chích, cá độ, gây mất trật tự trị an, quá lắm chỉ là rong chơi quên ngày tháng thôi… Ấy vậy mà không phải. Hệ lụy của thất nghiệp thực chẳng dễ chịu chút nào!


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Trong phiên trả lời chất vấn trước Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 18/1 của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, vị lãnh đạo ngành LĐ-TB&XH đưa ra một thông tin rất đáng chú ý: Đ ã có 6 trường cam kết sinh viên tốt nghiệp có việc làm, “nếu em nào không có việc làm, trường sẽ hoàn lại toàn bộ chi phí đào tạo”.

Thông tin này khiến không ít người, nhất là những phụ huynh đang có con cái trước ngưỡng cửa đại học thực cảm thấy mừng vui, phấn khởi! Đáng tiếc là ông Dung không nêu cụ thể những trường nào có “bản lĩnh” nói trên. Dù vậy, với hàng trăm trường đại học, cao đẳng lớn nhỏ đang mọc lên như “nấm” gần đây, thật khó để hình dung, hàng năm có bao nhiêu “cô cử, cậu cử” ra trường nhưng vẫn phải “ăn bám” gia đình.

Giới chuyên gia gần đây còn dự báo, ngay trong năm 2017, sẽ có thêm 200.000 cử nhân thất nghiệp. Đội ngũ thất nghiệp “trí thức” này, tưởng như không ảnh hưởng gì đến xã hội: Có ăn học đàng hoàng, chẳng đến nỗi hút chích, cá độ, gây mất trật tự trị an, quá lắm chỉ là rong chơi quên ngày tháng thôi… Ấy vậy mà không phải. Hệ lụy của thất nghiệp thực chẳng dễ chịu chút nào!

Hôm vừa rồi, nhân chuyến xe ôm dài, tôi có nói chuyện với anh xế trẻ. Anh bạn sượng sùng thú nhận, mình từng là kỹ sư cơ khí, tốt nghiệp từ năm 2013.

Đội ngũ xe ôm “trình độ cao” với bằng kỹ sư, cử nhân, thậm chí thạc sĩ trong tay chẳng hiếm hoi gì ở các thành phố lớn. Có phải xã hội khắc nghiệt, số phận bạc bẽo quá mới khiến người có ăn học đàng hoàng vẫn không có việc làm tử tế?

Nhớ lại hơn chục năm trước, thời đó, nhà nào có con đỗ đại học là mổ trâu, mổ bò cả làng ăn mừng. Oách lắm! Tất nhiên, tôi không, cổ xúy phong trào học hành theo kiểu thi cử, nhưng rõ ràng, đến lúc phải suy nghĩ về thế hệ sinh viên trên dưới chục điểm cũng đủ chuẩn đỗ đại học như bây giờ!

Cái tiến bộ của thời đại hiện nay đó là internet phát triển, việc tìm hiểu thông tin ngành nghề, định hướng tương lai chẳng còn tù mù như trước. Nhưng, “mác” đại học vẫn còn ghê gớm lắm, dù nó đã bị hạ giá đi nhiều rồi. Có những học sinh 12 năm đến trường chẳng thiết tha gì học tập, nhưng vì hai chữ “sĩ diện” nên cũng đăng ký đại một trường nào đó, gia nhập mạng lưới “sinh viên” để rồi 4-5 năm sau chẳng biết làm gì, lại bơ vơ… thất nghiệp!

Kể ra để “đổ lỗi” thì nhiều: Lỗi do gia đình và nhà trường không định hướng tốt cho con em, lỗi do xã hội nặng nề bằng cấp… nhưng trước hết lỗi vẫn là của các em – những thanh niên 17-18 tuổi là đã không hề có trách nhiệm cho tương lai bản thân mình, không hiểu mình là ai, khả năng ở đâu, có thể làm gì…

Trò chuyện với không ít người trẻ, một số bạn nói với tôi rằng, các bạn vẫn ao ước được làm một công việc văn phòng nhẹ nhàng, ít áp lực, có điều hòa, máy lạnh… chứ không phải là một công nhân ngày ngày lúi húi trong công xưởng, hay một nhân viên thị trường chạy xe vất vả mưa nắng ngoài đường.

Có những bạn đã xin được việc, nhưng vì không thể chịu nổi áp lực, vì tự ái quá lớn nên chỉ cần nghe mắng mỏ từ cấp trên, từ khách hàng là đã bỏ việc... Hay có những em, chỉ cần cái bằng rồi chờ quan hệ của bố mẹ, họ hàng mà “chạy chọt” vào làm một công việc được cho là “ổn định” theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Tôi rất tiếc với các em, nhưng nếu như các em không thể bằng trí tuệ, bản lĩnh và sự chân thành của mình mà cọ xát với xã hội, thì thất nghiệp là kết cục đương nhiên, không thể tránh!

Cánh cửa học vấn là quan trọng, nhưng nếu các em coi học đại học là nắm chắc chiếc vé vào đời, thì có lẽ hàng trăm ngàn sinh viên đang ảo tưởng và phí hoài 4-5 năm thanh xuân, tuổi trẻ. Sĩ diện chẳng là gì, nếu nó không làm cho chúng ta trưởng thành hơn, dạy chúng ta bài học làm người và giúp chúng ta trở thành công dân “hữu dụng” cho đất nước và cho gia đình.

Thay vào đó, nếu chọn cánh cửa của những trường nghề, rèn giũa kỹ năng và thực tế hơn trong định hướng nghề nghiệp, tôi tin rằng, tương lai các em sẽ rạng rỡ hơn nhiều. Giữa hai lựa chọn: Một người thợ lành nghề lương nghìn đô mỗi tháng và một công chức “a-ma-tơ” lương ba cọc ba đồng, các bạn trẻ nay sẽ chọn hướng đi nào? Liệu có em nào sẵn sàng từ bỏ giấc mơ cử nhân, kỹ sư ngồi “điều hòa, máy lạnh” để khởi nghiệp buôn bán, trồng rau, nuôi gà… mà đổi đời được hay không?

Bích Diệp