“Kinh nghiệm” mà biết nói năng…

(Dân trí) - Nếu sắp tới ngành giáo dục cần một “tấm gương” về tinh thần “ham học”, “học tập trọn đời” thì hẳn rằng cần cân nhắc đến một trường hợp vừa “tạo sóng” dư luận suốt cả tuần nay.

“Kinh nghiệm” mà biết nói năng… - 1

Đó là trường hợp ông Lê Thiết Cương- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội. Ông Cương dù đã có quyết định nghỉ hưu từ ngày 1/8/2018 nhưng vẫn được ưu ái bố trí đi 3 nước Châu Âu trong thời gian 10 ngày để “học tập, trao đổi kinh nghiệm về nông nghiệp công nghệ cao”.

Đi hết chiều dài của sự nghiệp, vậy mà vị Chi cục trưởng này (nay đã là “cựu”, “nguyên”) vẫn tiếp tục học tập kinh nghiệm, quả là một tinh thần học hỏi đáng ngưỡng mộ khiến lớp trẻ không khỏi không thán phục và … ái ngại.

Có điều, nhiều người hẳn cũng rất băn khoăn: Không hiểu đã về hưu rồi thì việc “tạo điều kiện” cho ông Cương đi học tập và trao đổi kinh nghiệm mang lại lợi ích gì? Kết thúc đợt “du học” ngắn ngày này, liệu ông Cương có tham gia tham mưu gì để xây dựng hai xã điển hình tiên tiến là Đông Hội (huyện Đông Anh) và Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) như mục đích ban đầu hay không?

Chỉ biết là theo phóng viên Thế Kha của Dân trí, đã nhiều lần phóng viên liên lạc, nhắn tin trao đổi xung quanh sự việc này với ông Lê Thiết Cương nhưng không nhận được phản hồi. Nếu học tập thật sự và có đóng góp cho địa phương một cách đường đường, chính chính thì… có gì phải trốn tránh đâu nhỉ?!

Hay là bởi ông Cương “mắc cỡ” vì ông được “tạo điều kiện” dù “dính” phải không ít ồn ào với việc ký quyết định bổ nhiệm con trai Lê Thiết Lĩnh giữ chức Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp – Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội ngay trước thời điểm về hưu? Chuyện đó thì chỉ có ông mới biết. Bản thân ông không lên tiếng trả lời thì e rằng dư luận vẫn còn bàn ra, tán vào nhiều!

Mà chẳng riêng gì trường hợp ông Cương, nhiều cán bộ ở các tổ chức cơ quan, đơn vị tại nhiều địa phương thời gian gần đây cũng tích cực ra nước ngoài công tác, học hỏi lắm. Như Thanh Hoá mới đây vừa dự chi gần 2 tỷ đồng cho 3 lãnh đạo đi Mỹ trong 11 ngày để quảng bá địa phương, sau đó rút xuống gần 700 triệu đồng (còn 1/3).

Rồi Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng dẫn đoàn cán bộ đi khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại ở Nga từ ngày 12-19/9 mà ngay trước thời điểm đi đã phải rút tên vợ mình ra khỏi danh sách do áp lực dư luận.

Chưa bàn đến hiệu quả của những chuyến đi này, nhưng tốn kém là chắc chắn. Chỉ thị số 29 của Chính phủ vừa mới ban hành năm ngoái đã nêu rõ lưu ý về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 phải “hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài”. Không rõ là các địa phương có nắm được không, hay biết rồi mà… quên?

Đã vậy, ngân sách tốn cả trăm triệu đồng cho mỗi cá nhân đi “khảo sát”, “mở mang tầm mắt” thế mà chẳng hiểu sao, các cán bộ đi học hỏi về cứ mỗi khi gặp vấn đề lại “rút kinh nghiệm”. Sợi dây kinh nghiệm dài đến nỗi rút từ năm này sang năm khác, vắt từ địa phương này đến địa phương khác.

Có câu “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, nên chắc chắn nếu học hỏi nghiêm túc thì đương nhiên có thêm kinh nghiệm và tri thức. Vấn đề là mục đích đi có học hay không thôi. Cứ viện cớ “đi học hỏi kinh nghiệm”, đi “khảo sát” để thực hiện những mục đích khác (du hí, du lịch) thì oan cho “kinh nghiệm” lắm!

Thật tình, nếu “kinh nghiệm” mà biết nói năng…

Bích Diệp