Không để uy tín lực lượng công an bị lợi dụng!

(Dân trí) - Đoạn clip một nam thanh niên (anh Nguyễn Xuân Mạnh) đi xe máy quay lại cảnh lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an huyện Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên) làm việc trên quốc lộ thì bị 2 người lạ đến yêu cầu xóa hình ảnh đang gây “sốt” mạng xã hội trong nhiều ngày nay.

Không để uy tín lực lượng công an bị lợi dụng! - 1

Điều gây bất ngờ là, trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 14/11, ông Nguyễn Minh Hiền - Trưởng Công an huyện Yên Mỹ cho biết, 2 người đàn ông bắt anh Mạnh xóa clip là người đi tiếp thị sữa cho các cửa hàng. Thỉnh thoảng những người này đi ngang qua khu vực tổ công tác làm nhiệm vụ.

Người trong cuộc là anh Mạnh chia sẻ rằng, bản thân cảm thấy “khó hiểu” về cách làm việc của lực lượng cảnh sát giao thông cũng như sự có mặt của 2 người lạ nên đã đăng clip lên mạng xã hội!

Còn ông Nguyễn Minh Hiền thì nhận định: “Hôm đó (tối 12/11), lực lượng công an không kiểm tra anh Mạnh. Anh đấy đang lợi dụng việc này để hạ uy tín của lực lượng công an”.

Hiện vấn đề nói trên vẫn đang được xác minh và làm rõ. Chỉ có điều, chi tiết về xuất hiện của 2 người đàn ông làm nghề “tiếp thị sữa” đến yêu cầu người dân xoá hình ảnh (theo như thông tin của ông Trưởng Công an huyện Yên Mỹ) thật khiến người ta cảm thấy mông lung!

Ở đây, một là những người này quá lo chuyện bao đồng, không dưng lại đi can thiệp vào cả vấn đề của lực lượng cảnh sát giao thông và người tham gia giao thông. Hai là những người này cũng quá “to gan”. Không rõ họ là ai, họ đại diện cho ai mà dám nêu ra yêu cầu mang tính can thiệp quyền cá nhân của người dân như vậy?!

Và đáng nói là kịch bản này nghe cứ… quen quen!

Trước đó, vào đầu tháng 10 cũng tại Hưng Yên đã xuất hiện đoạn clip có người lạ bắt người thanh niên đi xe máy xóa video quay lại quá trình làm việc với lực lượng CSGT vì… “miếng cơm, manh áo”.

Quá trình xác minh vụ việc, Công an tỉnh Hưng Yên kết luận, người lạ yêu cầu xóa clip là lái xe ôm. Trước đó, người xe ôm này đã xảy ra mâu thuẫn với nam thanh niên nên có hành động đe dọa, bắt xóa clip (!?).

Thế ra, lâu nay có vẻ như “quyền lực” của một bộ phận những người tiếp thị sữa và lái xe ôm chưa được “khai quật” hết.

Rõ ràng, trước tình trạng những người “lạ” không đâu lại nhúng tay, can thiệp, xen vào giữa quan hệ của cảnh sát giao thông và người tham gia giao thông như nói trên, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần vào cuộc làm sáng tỏ cho ra nhẽ. Nếu có việc lợi dụng để hạ uy tín thì cần xử lý nghiêm, bởi không chừng sẽ lại rất “mang tiếng” cho ngành công an.

Được biết, Bộ Công an mới đây đã hoàn tất lấy ý kiến dự thảo lần cuối về quy chế dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thay thế thông tư 54 của Bộ Công an ban hành từ năm 2009 và có một số nội dung mới so với dự thảo lần 2 được Bộ Công an lấy ý kiến từ cuối tháng 6. Dự thảo nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ cuối năm nay.

Đáng chú ý là tại dự thảo thông tư lần này, Bộ Công an đã bổ sung thêm một số hình thức giám sát của người dân đối với hoạt động của công an nhân dân, cảnh sát giao thông.

Cụ thể, Bộ Công an đề xuất người dân được phép giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Đương nhiên, việc giám sát này phải thực hiện theo quy định của pháp luật và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ.

Như vậy, có thể thấy, ngành công an đã rất cầu thị trong vấn đề này, sẵn sàng nhận sự giám sát của người dân. Và cũng nói thẳng rằng, tinh thần của Bộ Công an là đồng ý có xuất hiện hoạt động ghi âm, ghi hình của người dân trong quá trình thực thi nhiệm vụ (miễn không ảnh hưởng đến hoạt động, công tác của cán bộ, chiến sĩ).

Ở thời đại “báo chí công dân” như hiện nay, người viết cho rằng, đề xuất của Bộ Công an là hợp lý. Thực tế, nếu mọi người đều sống tuân thủ các quy định pháp luật, động cơ trong sáng và mang tính xây dựng, thì chẳng ngại gì ống kính giám sát của bất cứ ai.

Bích Diệp