Không để hành vi côn đồ trong hoạt động bảo vệ dân phố

Hoàng Lam

(Dân trí) - Chúng ta không thể nhân nhượng và chấp nhận sự tồn tại của hành động côn đồ, phi giáo dục, vi phạm nghiêm trọng pháp luật tồn tại trong đội ngũ bảo vệ an ninh trật tự cơ sở.

Không để hành vi côn đồ trong hoạt động bảo vệ dân phố - 1

Chiều 1/4, cộng đồng mạng dậy sóng bởi clip một người đàn ông liên tục đấm đá, lên gối, đạp vào đầu, mặt hai thiếu niên trước sự chứng kiến của nhiều người.

Vụ việc nhanh chóng được xác định xảy ra tại phòng giám thị Trường THCS Nguyễn Văn Tố (TP Hồ Chí Minh). Người đàn ông có hành vi bạo hành nói trên nhanh chóng được xác định là bảo vệ dân phố 20 tuổi thuộc phường 14, Quận 10, TP Hồ Chí Minh.

Báo cáo của Trường THCS Nguyễn Văn Tố thể hiện, do nhà trường liên tục bị mất trộm nên đã báo với địa phương hỗ trợ. Tối 31/3, 2 người có hành vi đột nhập vào trường đã bị bảo vệ nhà trường và 4 thành viên bảo vệ dân phố phát hiện và đưa vào phòng giám thị.

Hai người được cho là đột nhập vào Trường THCS Nguyễn Văn Tố sau đó được xác định mới 14 tuổi.  

Trở lại với nội dung clip gây phẫn nộ trên, người đàn ông mặc áo bảo vệ đã có lời nói thô tục và hành động côn đồ, tàn bạo với hai đứa trẻ, mặc dù chưa có bằng chứng gì thể hiện các em là thủ phạm gây ra hàng loạt vụ trộm tại trường học. Mà nếu có đi chăng nữa, việc xử lý hành vi vi phạm này đã có cơ quan chức năng xử lý, theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Đáng buồn hơn, tại phòng giám thị thời điểm đó còn có nhiều người nhưng chỉ có một người can ngăn hành động của người bảo vệ nói trên, dù việc can ngăn không lấy gì làm quyết liệt. Họ điềm nhiên chứng kiến việc hai đứa trẻ chưa hoàn thiện về tâm lý, thể chất và nhận thức bị bạo hành một cách dã man. Sự thờ ơ và vô cảm ấy thật đáng sợ!

Bảo vệ dân phố là lực lượng được UBND các phường thành lập, là nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Trách nhiệm, quyền hạn của lực lượng này đã được quy định rõ tại Nghị định 38/2006/NĐ-CP.

Dù là tổ chức quần chúng tự nguyện nhưng rõ ràng, những người tham gia vào lực lượng này phải được lựa chọn. Họ phải là những người có sức khỏe, có uy tín, có đạo đức và đặc biệt phải hiểu biết pháp luật.

Ngay trong sáng 2/4, 4 bảo vệ dân phố, trong đó có người trực tiếp có hành động bạo lực đối với 2 "nghi phạm" vụ trộm cắp đã bị đình chỉ công tác, yêu cầu giải trình. Việc phản ứng nhanh của  các cơ quan chức năng là đáng ghi nhận.

Hành vi trộm cắp tài sản đối với hai cháu bé sau đó đã được cơ quan chức năng làm rõ với sự tham gia của người giám hộ hợp pháp. Việc các cháu sai phạm đến đâu và mức độ xử lý như thế nào cũng như vai trò, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc giáo dục trẻ chắc chắn sẽ được làm rõ.

Tổ chức "làm việc" với đối tượng là vị thành niên mà không có người giám hộ hợp pháp là hành động cho thấy sự thiếu hiểu biết pháp luật, vi phạm quyền hạn của lực lượng bảo vệ dân phố được quy định tại Nghị định 38. Thực hiện hành vi bạo lực đối với các cháu là hành vi vi phạm và coi thường pháp luật.

Những hành vi này cần phải được xử lý nghiêm về mặt hình sự. Chúng ta không thể nhân nhượng và chấp nhận sự tồn tại của hành động côn đồ, phi giáo dục vi phạm nghiêm trọng pháp luật tồn tại trong đội ngũ bảo vệ an ninh trật tự cơ sở.

Theo thống kê, toàn quốc đang có gần 72.500 bảo vệ dân phố (số liệu tháng 7/2020). Vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ này trong công tác đảm bảo an ninh trật tự ở các đô thị thời gian qua rất đáng được ghi nhận.

Tuy nhiên, dù là tổ chức quần chúng tự nguyện nhưng rõ ràng, các địa phương, cụ thể là UBND các phường cần chọn lọc cẩn trọng để phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của mình. Tuyệt đối không để côn đồ "lọt" vào đội ngũ này!