“Không có giáo dục… đừng nói gì đến kinh tế, văn hoá!”
(Dân trí) - Chỉ duy nhất 1 cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đạt 56/61 tiêu chí kiểm định chất lượng; 43% số trường có đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo trình độ chuẩn; 55% số trường chưa đáp ứng đủ số lượng giảng viên; 38% số trường chưa đảm bảo tài chính hợp lý, minh bạch...
Những con số đáng báo động về thực tiễn kiểm định cơ sở GDĐH này được đăng tải trên Báo Lao động ngày 30/8 khiến không ít người sẽ phải giật mình.
Giáo sư Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói rằng, những con số này “phản ánh đúng những nội dung yếu kém của GDĐH Việt Nam” bởi phần lớn các trường đã kiểm định là những trường xếp hạng khá trở lên trong hệ thống (122 trường ĐH, học viện trong tổng số 234 trường ĐH).
Theo vị chuyên gia, điều này càng dễ hiểu vì sao Việt Nam chưa có trường nào được lọt vào tốp 500 trường hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng uy tín.
Và cũng thật dễ hiểu khi mỗi năm, người dân ta phải bỏ ra tới 3 tỷ USD cho việc du học, trong đó, có cả du học phổ thông và du học đại học. 3 tỷ USD, một con số khổng lồ!
Bạn của người viết là tiến sĩ vật lý ở một trường đại học danh tiếng, thế nhưng khoản tiền lương 5 triệu ít ỏi của anh chỉ đủ để trả lương giúp việc trong nhà, kinh tế gia đình phó thác cho vợ.
Cuộc sống “cơm áo gạo tiền” dù muốn dù không cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảng dạy của phần lớn giảng viên đại học. Trong khi đó, kể cả khi muốn toàn tâm toàn ý cho nghiên cứu thì điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất (đặc biệt là tại các trường kỹ thuật) lại không cho phép.
Thành ra, nói “giảng viên đại học”, oách thì oách thật, nhưng chưa hẳn những người thực sự giỏi đã muốn “ở lại trường”, còn những người ở lại hay được tuyển vào trường làm giảng viên chưa hẳn đã đáp ứng được yêu cầu hoặc có thể “sống” được với nghề, phát triển được bản thân. Thành ra, giảng viên đại học vừa thiếu hụt cả về chất lượng lẫn số lượng.
Cái gốc của vấn đề, theo người viết là các trường vẫn chưa được tự chủ từ đó kéo theo rất nhiều hệ luỵ khác. Tự chủ ở đây là tự chủ về đào tạo, tự chủ về nhân sự, tự chủ về tài chính.
Cũng bởi không tự chủ được nên mới dẫn đến nhiều trường dù đầu vào tuyển sinh chỉ tiêu cao vút, nhưng sinh viên ra trường vẫn không đáp ứng được những yêu cầu của thực tiễn xã hội. Nguyên nhân là xã hội cần một đường còn nhà trường dạy một nẻo. Không ít doanh nghiệp ra tiêu chí thẳng chỉ tuyển sinh viên trung bình để các bạn trẻ đỡ ảo tưởng về sức mạnh bản thân mà doanh nghiệp thì đằng nào cũng phải “đào tạo lại”.
Chưa kể, dường như cơ quan quản lý vẫn còn can thiệp quá sâu vào công tác nội bộ của các trường, bao gồm cả những trường tư, mà sự ra đi của “giáo sư quần đùi” Trương Nguyện Thành gần đây là một ví dụ. Được đánh giá có năng lực giỏi, song ông Thành không thể trở thành Hiệu trưởng theo nguyện vọng của HĐQT trường ĐH Hoa Sen, và do đó, ông quyết định rời Việt Nam trở về Mỹ công tác.
Mục tiêu, mong muốn của lãnh đạo đất nước thì rất nhiều, nhưng chung quy lại, phải đi từ gốc giáo dục, đi từ sự trân trọng, tạo được môi trường tốt để giữ chân (và tạo ra) những người thầy giỏi. Như chính Bác Hồ từng nói: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục, không có cán bộ, thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.10, tr.345 NXB Chính trị quốc gia).
Bích Diệp