Khi dĩa gõ vào ly, kêu leng keng...

(Dân trí) - Mới đây tôi được dự một bữa tiệc đứng ở một khách sạn thuộc loại sang trọng nhất Hà Nội. Thành phần tham dự gồm khoảng hơn chục người nước ngoài và khoảng trăm người Việt, hầu hết là trẻ và khá thành đạt, nói tiếng Anh như gió.


Giữa chừng buổi tiệc, chủ nhà - một vị giáo sư khả kính người Anh lên phát biểu. Theo tập quán phương Tây, ông lấy chiếc dĩa gõ leng keng vào chiếc ly của mình để gây chú ý một cách tế nhị. Tiếng cười nói xôn xao giảm đi chút ít, nhưng vẫn khá ồn ào. Tất nhiên, người Việt không quen với tập quán của Tây là chuyện dễ hiểu. Thấy chưa hiệu quả, ông bèn lịch sự đề nghị mọi người chú ý. Tiếng ồn tạm lắng đôi chút nhưng chỉ ít phút sau, tình hình lại “nguyễn y vân” trong suốt thời gian ông phát biểu và cho tận đến khi ông giới thiệu người tiếp theo lên, tình hình vẫn không thay đổi.

Diễn giả tiếp theo là một cô gái người Việt, vẻ rất hồi hộp. Cô đã chuẩn bị sẵn một diễn văn rất hoành tráng bằng tiếng Anh, đặt trong một kẹp tài liệu, mở ra trên bục phát biểu, và cứ thế đọc. Cô càng đọc thì tiếng ồn càng tăng. Phải nói là diễn văn khá dài, nên đến đoạn sau thì khán phòng thành cái "chợ vỡ". Tôi quan sát thấy nét mặt của vị giáo sư già có một vẻ vừa sửng sốt vừa hoảng hốt vừa vô cùng lo lắng và xấu hổ.

Rốt cuộc thì diễn văn cũng xong và bữa tiệc cũng tàn. Nhưng nét mặt của vị giáo sư cứ ám ảnh tôi mãi. Đây cũng không phải lần đầu tiên tôi dự một bữa tiệc, hay thậm chí một cuộc họp, một hội nghị rất quan trọng mà người ở trên cứ nói, những người ở dưới cứ thoải mái “ầm ĩ dưa lê”.

Tôi đem băn khoăn của mình ra hỏi một cậu bạn vốn từng du học ở Úc 7 năm (Trung học và Đại học). Cậu ta trả lời tôi bằng một câu hỏi:

- Cậu có biết khởi nguồn sâu xa từ đâu không?

- Nếu biết, tôi hỏi ông làm gì? Tôi đáp.

- Chính là dư âm từ thời đi học nó ám ảnh đấy. Cả tớ và cậu, chúng ta đều đã trải qua ròng rã những tiết học dằng dặc trong tẻ nhạt. Tiết này nối tiết kia, ngày này sang tháng khác hầu như chỉ có thầy cô độc thoại còn lũ học trò chúng mình thì phải trật tự tuyệt đối.

- Như vậy thì càng phải có ý thức giữ trật tự chứ?

- Thật không? Khi cậu mới 6 tuổi, việc đó có dễ dàng không? Và khi cậu mất tập trung, cậu được nhắc nhở bằng mệnh lệnh. Nếu tiếp tục vi phạm, cậu sẽ được khép vào kỷ luật bằng thước kẻ, bằng đứng góc lớp, hạ hạnh kiểm... Nhu cầu nói chuyện riêng, hay nói cách khác là nhu cầu trao đổi với bạn đồng lứa là bản tính tự nhiên của con trẻ. Càng cấm đoán, chúng càng bị ức chế và nhu cầu càng bùng phát.

Tôi trầm ngâm: "Có lẽ thế. Hồi ra trường mới đi làm, đúng là đôi khi đi họp tớ cũng hồn nhiên "buôn dưa lê" với người ngồi cạnh, nhưng thú thực sau vài lần tớ thấy thế là bất lịch sự nên đã chủ động ép bản thân từ bỏ thói quen xấu đó".

- Tất nhiên, tớ không vơ đũa cả nắm, có nhiều người tự rèn luyện được. Nhưng qua quan sát của cá nhân, tớ nhận thấy chính vì "giữ trật tự" đã trở thành một nỗi ám ảnh trong nhà trường mà giờ đây, chúng ta có hàng lớp, hàng lớp người không thể giữ trật tự nổi ở hầu như bất kỳ cuộc hội họp nào. Nói chuyện riêng trở thành một thú vui mà phần đông chúng ta tự do hưởng thụ để “trả thù” thời bị cấm đoán khi ở ghế nhà trường.

- Nghĩa là để giải bài toán này, theo cậu chúng ta nên để lớp học thành cái chợ?

- Không phải thế nhưng cũng không biến lớp học thành buổi rao giảng mà ở đó, thầy cô như cái đài… không có nút tắt. Đành rằng việc giảng bài là cần thiết, chúng là xương sống của việc học hành, nhưng cái xương sống đó cần được bổ trợ bằng những hoạt động phong phú và đa dạng, vừa để tránh nhàm chán, nhưng quan trọng hơn là để học sinh phát triển toàn diện. Ngay cả trong bài giảng cũng có thể xen kẽ những khoảng cho phép thảo luận nhóm, làm bài tập nhóm...

- Còn về ý thức giữ trật tự nơi công cộng…?

- Giáo dục ý thức không phải bằng áp đặt mà nên thông qua thực tế để cho học sinh hiểu tại sao việc đó là cần thiết. Ví dụ như việc cho từng cá nhân hoặc từng nhóm lên thuyết trình chẳng hạn. Khi tất cả đều phải trải qua công việc này, họ mới nếm trải cảm giác “kẻ nói không có người nghe”, thấu hiểu “nỗi buồn độc thoại”. Thậm chí cả cảm giác đau đớn, ức chế bởi sự thiếu tôn trọng lẫn nhau trong một cộng đồng. Mặt khác, nó còn rèn giũa cho từng cá nhân khả năng thuyết trình trước đám đông để sau này, khi phải nói trước công chúng, họ sẽ có kinh nghiệm hơn, biết thu hút người nghe và tránh những bài phát biểu tẻ ngắt khiến đám đông mất tập trung dẫn tới ồn ào.

Bạn có đồng ý với ý kiến của cậu bạn tôi? Bạn có cho rằng ý thức giữ trật tự của mỗi cá nhân là cần thiết trong cuộc sống hiện đại? Ngành giáo dục có vai trò thế nào? Hãy chia sẻ ý kiến với chúng tôi.

Uyên Minh