Khi bí mật đời tư bị mua bán, "khủng bố"
(Dân trí) - Câu chuyện mà báo Tuổi trẻ đầu tuần này vừa nêu về dấu hiệu các thông tin của hành khách: Tên tuổi, chuyến bay, số điện thoại.. .bị mua bán, kinh doanh ở nhiều sân bay đang thực sự gióng lên hồi chuông báo động về bảo vệ quyền đảm bảo bí mật đời tư cho công dân.
Người viết bài này cũng đã nhiều lần gặp sự phiền phức khi vừa xuống sân bay, đã có một loạt cuộc gọi, tin nhắn từ các công ty kinh doanh taxi mời chào thuê xe. Không thể hiểu đơn vị nào: Hãng hàng không, đại lý vé máy bay... đã lộ các thông tin cho các công ty này để họ hành hạ khách hàng của mình?
Nhưng đó thực sự là cảm giác rất bực bội. Không chỉ bởi vì khi mới xuống máy bay, có rất nhiều việc: Liên lạc với người thân, giải quyết công việc bị đình hoãn khi bay... mà bởi cảm giác mình đã bị ai đó bán đứng thông tin.
Và liệu rằng, các thông tin đó, nhất là số điện thoại, còn có thể bán cho bao nhiêu đơn vị nữa cần khai thác để làm quảng cáo: Bất động sản, mua bán sim, card điện thoại... Với hàng triệu người đi máy bay, con số đó không phải là nhỏ.
Nhưng điều tệ hại là hóa ra không phải chỉ một mà đã có nhiều đơn vị, thậm chí họ lập ra cả công ty, doanh nghiệp để khai thác các thông tin có tính chất bí mật đời tư mà Hiến pháp, Bộ luật Dân sự đã có nhiều điều khoản rõ ràng để bảo vệ ấy.
Trong bài viết "Chợ trời mua bán thông tin khách đi máy bay" trên tờ Tuổi trẻ (ngày 2/10), bài báo nêu rất rõ ràng có những đơn vị như Công ty TNHH Kết nối Nội Bài (Nội Bài Connect), Công ty VG... khai thác được hết các số liệu, thông tin về hành khách của các hãng hàng không trong nước. Từ các doanh nghiệp này, các thông tin của khách bay được tung hết cho các tài xế thỏa sức khai thác.
Nếu ai đó coi những chuyện này là bình thường thì thật quả không còn gì để nói. Bởi đó thực sự là hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền bảo vệ bí mật đời tư của công dân.
Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.
Lần giở lại Bộ luật Dân sự hiện hành, cũng có quy định khá rõ: “1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý..." (điều 38)
Như vậy, có thể nói, việc mua bán, tiết lộ thông tin cá nhân của hàng triệu hành khách mỗi năm ở các sân bay nội địa như hiện nay đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nhưng không hiểu vì sao, trong một thời gian dài, hành vi này lại không bị phát hiện, xử lý?
Nhưng cũng từ vụ việc này, nhìn lại, ở ta, những vi phạm thông tin cá nhân trong nhiều năm nay cũng không phải hiếm. Những số điện thoại, email của hầu hết công dân đều có dấu hiệu đã từng bị vi phạm khi gần như ngày nào cũng nhận được các tin nhắn, email quảng cáo rao vặt nhà đất, mua xe, mua dịch vụ bảo hiểm...
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn mới đây cũng phải lên tiếng về chuyện khi ông đang xuống đơn vị để kiểm tra tình trạng này thì điện thoại của ông vẫn "tít tít" các tin nhắn quảng cáo...
Vậy tình trạng xâm phạm bí mật đời tư ở ta quá tràn lan, trắng trợn có nguyên nhân vì đâu? Có người thì nói do quy định trong các văn bản luật, văn bản hướng dẫn luật chưa rõ ràng về khái niệm "bí mật đời tư"; do cơ quan quản lý chưa coi "bí mật đời tư" của công dân là việc quan trọng, ít kiểm tra xử lý...
Nhưng có điều khá rõ là mức xử phạt cho hành vi này quá nhẹ. Ví dụ như với tội: "Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác", theo điều 125 của Bộ luật Hình sự qui định: Chỉ phạt hành chính từ 1-5 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm; phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm với các hành vi phạm tội có tổ chức, nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng...
Cụ thể với hành vi tiết lộ, mua bán thông tin của hành khách như ở sân bay Nội Bài, có thể coi là vi phạm có tổ chức, mua bán nhiều lần...thì các mức xử phạt như vậy rõ ràng không đủ sức răn đe.
Nhưng đáng tiếc, ngay cả với mức độ vi phạm có thể nói là ngang nhiên, trắng trợn đang diễn ra hàng ngày đó cũng chẳng thấy cơ quan nào có động thái kiểm tra, xử lý, dù ở mức độ nhẹ nhất.
Mạnh Quân