Họ có biết nhận lương và… bổng lộc không nhỉ?

(Dân trí) - Lương vẫn lĩnh đều đều. Mọi tiêu chuẩn “không tuần chay nào không có nước mắt”. “Bổng lộc” cũng luôn xếp hàng đầu theo qui trình “đường sữa từ trên xuống, cuốc xẻng từ dưới lên”. Quyền cao, chức trọng và luôn nhận những lời “kính thưa”, “kính chúc” , nhiều khi là “kính gửi”…

Họ có biết nhận lương và… bổng lộc không nhỉ? - 1

Thế nhưng khi động đến công việc, nhất là những sai phạm thì điệp khúc luôn là “không biết”, “không nắm dược”, “chưa nhận được báo cáo”, “đang cho đi kiểm tra”… Và khi sự việc mười mươi, lại câu cửa miệng “xử lý nghiêm”, “sai dến đâu, xử lý đến đấy” để rồi không ít khi… “hóa bùn”.

Hiện tượng nãy đã và đang xuất hiện ở nhiều lúc, nhiều nơi.

Gần đây, tại Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Bình Định khóa XII, trả lời câu hỏi Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam tại Cụm công nghiệp Cát Trinh (huyện Phù Cát) xả thải trực tiếp ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường làm hưởng đến đời sống người dân của ĐB Phạm Ngọc Trình, ông Đặng Trung Thành - Giám đốc Sở TN&MT Bình Định đã nói một cách rất… hồn nhiên:

“Công ty tự xử lý và dùng nước đó để tưới cây, còn chính xác công ty có chở đi hay không thì Sở chưa nắm được”.

Lạ nhỉ! Làm người đứng đầu ngành tài nguyên môi trường của địa phương mà một doanh nghiệp lớn, mỗi ngày thải ra nhiều, thậm chí rất nhiều khối nước bẩn đem đổ ở đâu đó mà không nắm được thì quả là là đến nguy hiểm.

Tuy nhiên, sự trả lời hồn nhiên của vị giám đốc sở này dù rất vô lý nhưng lại không gây ngạc nhiên bởi nó không… đơn độc.

Mới dây, UBKT Thành uỷ Đà Nẵng đã quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Đàm Quang Hưng - Phó Bí thư Quận uỷ, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Đà Nẵng. Lý do, trong thời gian giữ chức vụ Phó Chủ tịch trực tiếp phụ trách lĩnh vực trật tự đô thị và Chủ tịch quận Liên Chiểu, ông Đàm Quang Hưng để xảy ra tình trạng xây dựng không phép kéo dài tại khu vực quy hoạch dự án Ga đường sắt.

Ở ta, chuyện “không biết”, “chưa nhận được báo cáo”, “đang cho đi tìm hiểu”, “chưa nắm được”… không lạ. Nó xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều lúc và… nhiều cấp.

Nạn “lâm tặc” xảy ra ngay gần trụ sở, kiểm lâm cũng “không biết”. Phá hoại di tích cấp quốc gia ngay trong làng, trong xã nhưng lãnh đạo xã cũng.. không biết. Xe chở quả tải, ngông nghênh trên đường, công an, kiểm sát giao thông cũng… không biết. Nạn xã hội đen cho vay nặng lãi, cũng “chưa thấy báo cáo”…

Đến cả những khu biệt thự khủng, xây dựng rất kiên cố tàn phá hai lá phổi của Thủ đô là Ba Vì và Sóc Sơn diễn ra nhiều năm mà cũng không ai biết? Thế nhưng dân đặt một viên gạch hay vào rừng kiếm bó củi là đã thấy họ biết ngay.

Lạ nhỉ! Tại sao như thế nhỉ?

Mà đã “không biết” cái công việc mình trực tiếp phụ trách thì tốt nhất, hãy để cho họ một điều biết, đó là hoặc từ chức, hoặc bị cách chức. Dân không bỏ tiền để nuôi những cán bộ mỗi khi có vụ việc gì, lại buông câu: “Không biết”!

Bùi Hoàng Tám