Hà Nội với bài toán “chọn cột cờ” và “bội thực nhân tài”?!

(Dân trí) - Nhiều nhân tài không hẳn đã là tốt nếu như không có một bàn tay sắp xếp hài hòa và hợp lý. Ba cái cây nhỏ có thể “chụm lại nên hòn núi cao” nhưng cả một rừng “cột cờ” chưa chắc đã làm nên một quả đồi nho nhỏ.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Một tin vui với nhân dân Thủ đô nói riêng, nhân dân cả nước nói chung, đó là Hà Nội đang nhiều, rất nhiều nhân tài. Nhiều đến mức… khó mà tinh giản biên chế.

Ngày 25/2, tại Hội nghị triển khai kế hoạch tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, tinh giản biên chế trên địa bàn là nhiệm vụ phức tạp, khó khăn mà một trong những nguyên nhân quan trọng, Hà Nội đã chuẩn hóa cán bộ, kể cả cán bộ phường cũng có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Trong khi ở nhiều địa phương, lãnh đạo cấp phường, xã tốt nghiệp THPT đã là khó, thậm chí, có những làng bản xa xôi, trình độ lãnh đạo xã có khi chỉ là đọc thông, viết thạo. Thế nhưng Hà Nội thì cán bộ cấp phường cũng có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là điều đáng phấn khởi.

Thật ra, việc Hà Nội có nhiều người tài không lạ bởi đây là trung tâm kinh tế, chính trị của đất nước thì không thể thiếu nhân tài.

Cách đây gần 2 năm, ngày 15/4/2014, trao đổi với báo chí về cơ cấu nhân sự cho Hội đồng nhân dân, ông Phạm Quang Nghị khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết nguồn cán bộ của Hà Nội rất đông. Cái khó của Hà Nội không phải trong “bó đũa” chọn “cột cờ” mà là chọn “cột cờ” trong số những “cột cờ” – Báo Điện tử Đảng Cộng sản ngày 15/4/2014.

Rất nhiều “cột cờ”, thạc sĩ, tiến sĩ, tức là rất nhiều nhân tài.

Thế nhưng công bằng mà nói, với vị thế chính trị, kinh tế, địa thế về đất đai, con người… và truyền thống văn hóa, đáng ra Hà Nội phải là ngọn cờ đầu của cả nước trong mọi lĩnh vực. Hà Nội phải là trọng điểm kinh tế. Người dân Hà Nội phải có thu nhập cao nhất nhì cả nước. Thành phố Hà Nội phải sạch đẹp, ngăn nắp. Con người Hà Nội phải thanh tao, lịch lãm…

Tóm lại, Hà Nội phải là “thành phố đáng sống”, thậm chí là “thành phố mơ ước” của ít nhất là nhân dân cả nước.

Thế nhưng Hà Nội hôm nay ra sao? Có xứng đáng với những mong ước đó không? Có lẽ câu trả lời lạc quan nhất là: CHƯA!

Vì sao vậy?

Một câu hỏi khiến người viết bài này nhớ lại một truyện ngắn hình như có tên là “Người đẹp” của Nhà văn Nga Chekhov. Chuyện kể về hai người phụ nữ, một người từ ánh mắt, khóe môi, nụ cười, khuôn mặt… tức là từng chi tiết đều rất đẹp, rất hoàn hảo. Thế nhưng lạ thay, khi kết hợp trong cùng một khuôn mặt thì nó lại… xấu xí đến lạ lùng.

Ngược lại, một người phụ nữ có những chi tiết không hề hoàn hảo nhưng lạ thay, lại đẹp đến mê hoặc.

Mọi sự so sánh, ví von đều khập khiễng. Thế nhưng nhiều nhân tài không hẳn đã là tốt nếu như không có một bàn tay sắp xếp hài hòa và hợp lý. Ba cái cây nhỏ có thể “chụm lại nên hòn núi cao” nhưng cả một rừng “cột cờ” chưa chắc đã làm nên một quả đồi nho nhỏ.

Nên Phó Bí thư Ngô Thị Thanh Hằng đã hoàn toàn có lý khi đặt vấn đề: “Vấn đề hiện nay là năng lực thực tế của anh thế nào? Hiệu quả công việc thế nào? Đặc biệt là tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân ra sao? Từ đó, chúng ta xác định ai không hoàn thành nhiệm vụ để xét tinh giản biên chế hàng năm”.

Vâng, thực lực thế nào? Hiệu quả ra sao? Đặc biệt là tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân mới là quan trọng nhất.

Phải chăng Hà Nội hôm nay không thiếu người tài mà hình như đang thiếu vắng những người có tiêu chuẩn như bà Hằng nói cộng với một bàn tay “sắp đặt” của một “họa sĩ” tài năng?

Phải chăng Hà Nội đang đối mặt với bài toán “chọn cột cờ” và “hội chứng bội thực” nhân tài”?!

Bùi Hoàng Tám