Dùng xe công làm việc riêng có là hành vi tham nhũng?

(Dân trí) - Xe công tấp nập đi lễ. Xe công ngông nghênh đến chùa. Xe công chở vợ sếp đi chợ. Xe công chở con sếp đi học… Xe từ chỗ của công đã biến thành của riêng. Và không ít tài xế ăn lương nhà nước nhưng thực chất là làm ô sin cho nhà sếp.

 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Ngày 16/4, đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý kiến về Dự án luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
 
Tại hội thảo, ĐBQH Trần Du Lịch nói thẳng rằng hiện tượng cán bộ sử dụng xe nhà nước vào việc riêng rất nhiều: “Thứ 7, chủ nhật, từ đám cưới đến đám ma, về quê… cán bộ đều dùng xe nhà nước hết. Ai chống được cái này? Giờ phải làm từng cái cụ thể đi, tiết kiệm từng cái một. Tôi nghĩ, luật phải quy định cụ thể điều này, không phải chung chung nữa”.
 
Ông Lịch kể trong lần đi công tác ở Bắc Âu, ông đã gặp một nữ nghị sĩ rất nổi tiếng đạp xe đạp đi họp. “Ở các nước này, người ta đưa tiền lương để họ tự chi hết. Ở ta, chi phí cho xe công trừ vào tiền lương được không?”. Ông Lịch đặt vấn đề.
ĐB. Lịch còn đưa ra phép tính lương của một ông thứ trưởng hơn chục triệu đồng/tháng nhưng chi phí cho chiếc xe công mà ông này đi gấp 3 lần. Đó là những chi phí trả lương tài xế, phí bảo trì, bảo hiểm…
 
Trong khi đó, có bộ có tới hàng trăm chiếc xe công với đội ngũ lái xe cả trăm người.
 
Cách đây 6 năm, tháng 5-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 59, chính thức cho phép các chức danh từ tương đương thứ trưởng trở xuống (ở cấp tỉnh là từ phó chủ tịch HĐND và UBND trở xuống) được khoán xe công.
 
Tháng 9-2007, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 103, hướng dẫn cơ chế và cách tính chi phí khi thực hiện khoán xe công. Như vậy có thể nói, việc khoán xe công đã là một chính sách của nhà nước.
 
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh (nay là Phó Thủ tướng) khi đó đã vui mừng tuyên bố, nếu thực hiện khoán xe công thì sẽ tiết kiệm cho nhà nước khoảng 1.000 tỷ đồng.
 
Thế nhưng tiếc thay đã 6 năm qua, một chính sách thực hành tiết kiệm đúng đắn như vậy nhưng chỉ có duy nhất một người thực hiện. Đó là ông ông Trần Quốc Thuận, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
 
Việc ông Thuận nhận khoán xe công đã từng làm dư luận xôn xao, hi vọng từ đây sẽ dấy lên một phong trào thi đua tiết kiệm rộng khắp. Thế nhưng buồn thay, hầu như nó không nhận được bất cứ một sự hưởng ứng nào và cuối cùng lặng lẽ rơi vào im lặng. Để rồi giờ đây, khi ông Thuận đã về hưu, có lẽ ông là dấu chấm hết cho một chủ trương đúng đắn?
 
Lý giải nguyên nhân phá sản của một chủ trương tiết kiệm hàng ngàn tỉ cho ngân sách mỗi năm, người “lữ hành cô độc” Trần Quốc Thuận đã chua chát nói rằng: “Nguyên nhân chính là do chính sách đưa ra để ai chọn thì tự nguyện đăng ký, không bắt buộc... Thực tế, nhiều quan chức sử dụng xe công bất kể giờ giấc như đi giao dịch, đi xem nhà đất, đi lễ bái xin thần thánh thăng quan tiến chức… Mục đích cũng là để tạo khâu oai, sẽ thu được lời hơn”.
 
Một điều đáng ngạc nhiên nữa là đón bắt chủ trương trên, nhiều doanh nghiệp rất muốn tham gia loại hình dịch vụ này. Cục quản lý công sản Bộ Tài chính Phạm Đình Cường cho biết, ông đã trao đổi với một số ông chủ taxi, họ ngỏ ý sẵn sàng đầu tư đội xe sạch đẹp, văn minh lịch sự để phục vụ các quan chức nhà nước. Thậm chí họ cam kết nếu nhiều cơ quan nhà nước thực hiện, thì riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, xe dịch vụ sẽ có mặt sau 5 phút được yêu cầu.
 
Đất nước ta còn nghèo. Đồng bào vùng sâu, vùng xa nhiều nơi vẫn chưa đủ cơm ăn, áo mặc. Nhiều trẻ thơ vẫn chưa được đến trường. Hình ảnh các thầy cô giáo vùng cao phải bẫy chuột, bắt nhái, nòng nọc về “cải thiện” là hết sức đau lòng. Ngư dân ta đi biển còn không có tàu to, thuyền lớn để chống lại báo tố và sự ngông cuồng của Trung Quốc…
 
Nhất là trong tình hình kinh tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang lâm vào cảnh phá sản, đời sống nhân dân đang hết sức khó khăn thì việc lãng phí hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm chi cho xe công hiện nay là cực kỳ vô lý và nói thẳng, có gì đó như nhẫn tâm.
 
Không nhìn đâu xa, Nhân Dân Nhật báo ngày 8-2 của Trung Quốc cho biết sẽ xử phạt nặng các quan chức lạm dụng xe công làm việc riêng. Còn tại nước Pháp, năm 2010, Bộ trưởng Phát triển Hải ngoại Alain Joyandet bị cáo buộc tiêu 116.500 euro công quỹ cho một chuyến máy bay thuê riêng bay tới vùng Carribea làm việc.
 
Để thực hành tiết kiệm và tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4, đã đến lúc cần phải xem xét triệt để vấn đề này bởi sâu xa về thực chất, việc dùng xe công làm việc riêng chính là hành vi tham nhũng!?

 

Bùi Hoàng Tám

 
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!