Đừng khai bị “chì chiết” mà tốn tiền nộp phạt!

(Dân trí) - Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình do Bộ Công an đưa ra có nhiều quy định gây tranh cãi.

 

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

 

Trước đây, Dự thảo này quy định hành vi mua dâm có tính chất đồi trụy thì sẽ bị xử phạt. Nhưng suy đi nghĩ lại, thấy đã mua bán dâm thì hành vi nào mà không đồi trụy, cho nên đã bỏ đi. Dự thảo cũng quy định xử phạt hành vi không mặc áo quần hoặc mặc áo quần lót nơi công cộng. Nhưng suy đi nghĩ lại, thấy cũng khó phân biệt như thế nào là quần áo lót, bởi vì thời trang ngày càng đa dạng, phong phú, có nhiều cô mặc áo nhưng kiểu dáng chỉ như cái áo lót, chẳng lẽ bị phạt cho nên cũng đã rút lại các quy định này.

 

Thế nhưng, Dự thảo lại đẻ ra những quy định khác còn “đau đầu” hơn các quy định đã rút bỏ. Ví dụ : “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chửi bới, chì chiết thành viên gia đình”. Thật khó để phân biệt và định lượng được các động từ đầy cảm xúc và rất khó định tính như lăng mạ, chì chiết chửi bới. Đôi khi, một câu nói rất đẹp, đầy mỹ từ, nhẹ nhàng, nhưng trong đó ẩn chứa ý tứ làm đau khổ cho người khác. Làm đau, xúc phạm người khác, nhưng họ không chửi bới, không lăng mạ, không chì chiết, vậy có xử phạt được không?

 

Hoặc có quy định khó hiểu như: “Phạt tiền từ trên 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình phải chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật”, hay:Buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ vào ban đêm hoặc lúc trời mưa, bão, gió rét”, hoặc : “Kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của thành viên gia đình hoặc nguồn tài chính chung của gia đình nhằm tạo cho thành viên gia đình sự phụ thuộc về tài chính”…

 

Hành vi “buộc thành viên gia đình phải chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật” thật khó xác định, cũng rất khó hình dung tình huống thế nào là chứng kiến cảnh bạo lực trong điều kiện bị bắt buộc. Ví dụ người chồng đánh đập con chó, người vợ hay người con nhìn thấy, nhưng chưa chắc sự nhìn thấy đó do người chồng bắt buộc. Do đó, nếu không xác định được hành vi thì không thể xử phạt.

 

Hay như, “kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của thành viên gia đình…”. Ví dụ, vợ kiểm soát thu nhập của chồng hay ngược lại, thế nào là chặt chẽ, có những trường hợp chặt chẽ lại rất tốt, có lợi cho gia đình. Một người chồng hay rượu chè bê tha, thậm chí cờ bạc, trai gái, người vợ kiểm soát chặt chẽ tài chính là quá đúng, chẳng lẽ đi xử phạt người vợ.

 

Những quan hệ này chỉ nên để mỗi gia đình tự giải quyết, pháp luật chưa can thiệp được. Cuộc sống còn có nhiều thứ cần sự can thiệp của pháp luật hơn là sự kiểm soát tiền nong của từng đôi vợ chồng.

 

Mà cũng khổ thân cho các ông chồng, cho dù bị vợ kiểm soát tài chính, bị vợ đuổi ra khỏi nhà khi trời mưa bão, gió rét, bị vợ chì chiết, nhưng khi vợ bị phạt thì chồng cũng phải rút tiền ra nộp cho nhà nước. Thế thì thiệt cả đôi đường. Cho nên, chắc chẳng có ông chồng hay bà vợ nào dại dột đi khai với nhà chức trách rằng họ bị chồng hay vợ “chì chiết”. Mất tiền còn xâu hổ với hàng xóm.

 

 

Lê Chân Nhân

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!