Đừng đùa với tinh thần dân tộc!
(Dân trí) - Mấy hôm nay trên mạng xã hội, cùng với chủ đề đang “nóng” là cổ vũ đội tuyển U23 là hàng loạt những dòng trạng thái đề nghị tẩy chay một người ngoại quốc dạy tiếng Anh (xin phép độc giả, người viết không dùng từ “thầy giáo”) vì người này đã dùng những ngôn từ vô cùng xấu xí và tục tĩu để “đá xéo” U23 và xúc phạm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Anh ta sau đó giải thích rằng, đó chẳng qua là một trò đùa và ở đất nước của anh ta, nếu có đùa như vậy cũng không ai quan tâm cả.
Tôi không rõ anh ta đã đến Việt Nam và làm việc trong bao lâu, nhất là lại làm trong lĩnh vực giáo dục, nhưng anh ta đã thiếu đi một văn hoá tối thiểu, đó là “nhập gia tuỳ tục” (ngôn ngữ tiếng Anh cũng có câu tương tự “When in Rome, do as the Romans do”). Văn hoá đó, ngay cả những người có mục đích đi du lịch đơn thuần cũng cần nắm rõ.
Tôi không nghĩ rằng, nguyên nhân khiến Daniel Hauer (tên của người dạy tiếng Anh nói trên) bị phản ứng dữ dội là bởi anh ta phát ngôn đi ngược lại xu hướng cộng đồng. Vâng, Daniel Hauer nói gì là quyền “tự do ngôn luận” của anh ta. Song, cách sử dụng ngôn từ một cách miệt thị và khiếm nhã ấy đã “động chạm” đến niềm tự hào, tự tôn dân tộc của hàng triệu con người.
Tôi sẽ không đẩy cao quan điểm, cũng không phán xét thêm về nhân cách của Daniel Hauer. Tôi chỉ đánh giá dựa trên hành vi: Một sai lầm và một sự đáng tiếc!
Tạm gác lại câu chuyện này. Có lẽ phải rất lâu rồi chúng ta mới lại được sống trong không khí “quật khởi” cùng với bóng đá nước nhà. Không phân biệt thành thị, nông thôn, không quan trọng làm trong lĩnh vực gì, không phân đẳng cấp, giàu - nghèo… mọi trái tim của người dân trong cả nước đều chung nhịp đập, mọi câu chuyện đều hướng về một nội dung, và mọi niềm vui – nỗi buồn đều cùng một lý do.
Tôi thấy những cái bắt tay giữa những người xa lạ. Sau một cú va chạm giao thông cũng đứng dậy cười xoà. Tôi thấy những cái ôm thắm thiết, những nụ cười, những lời chào đầy thân thiện của những người xa lạ với nhau… Đó là giá trị lớn lao, lớn hơn mọi chiếc cúp, mọi tấm huy chương mà đội tuyển chúng ta có thể mang về cho đất nước.
Hoá ra, trong mỗi chúng ta, ai cũng đều đang nuôi dưỡng một niềm tự tôn, một tinh thần dân tộc, một lòng yêu nước, mà thường ngày không dễ có điều kiện để bộc lộ ra ngoài.
Cách đây không lâu, tôi đọc được trên báo về kỹ sư Lê Duy Loan, người phụ nữ đầu tiên và cũng là người gốc Á duy nhất được vinh danh “Senior Fellow” – nhà nghiên cứu thâm niên tại hãng công nghệ toàn cầu lâu đời nhất nước Mỹ - Texas Instruments.
Trên đỉnh cao danh vọng, người phụ nữ ấy vẫn hướng về nguồn cội và nói về những cái tên thuần Việt của các con mình: “Dù có sinh ra ở Mỹ nhưng chúng vẫn mang trong tim dòng máu Việt Nam, vẫn là người da vàng, tóc đen. Hãy thể hiện vượt trội ở mọi công việc gắn với tên mình, đừng bao giờ làm gì khiến gia đình và quê hương phải xấu mặt”.
Và như chính bà Loan từng nói: “Người Việt khắp năm châu bốn bể sẽ không ngại ngần gì khi xác nhận: Mẹ ơi, con là người Việt Nam. Con da vàng với dòng máu hiên ngang”, rất nhiều người Việt khác cũng đang nỗ lực để làm rạng danh non sông đất nước, bất kể họ đang sống, học tập ở đâu, trên cương vị nào.
Với tinh thần dân tộc, với lòng yêu nước, sự quật cường ấy, chúng ta đã có hàng ngàn năm lịch sử, chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược. Với tinh thần đó, chúng ta có những nhà khoa học xuất chúng, những doanh nhân lớn, những vận động viên giàu nghị lực để mang lại tự hào, mang đến sự tiến bộ và phồn vinh về cho Tổ quốc…
Hôm nay (27/1), U23 Việt Nam sẽ đấu trận cuối cùng của VCK U23 châu Á. Dù kết quả ra sao, tôi và người hâm mộ cũng cảm ơn các em, vì các em đã khơi bùng lòng tự hào dân tộc, thắp lên ngọn lửa mà tôi tin rằng, có thể sẽ đốt cháy mọi sự vị kỷ, thấp hèn để hướng đến một mục tiêu chung của đất nước.
Với tinh thần dân tộc, tôi tin, chúng ta sẽ còn tạo nên nhiều chiến thắng khác, không chỉ trên sân đấu thể thao, mà còn cả về khoa học, quốc phòng, kinh tế…
Này ông Daniel Hauer, trước lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc của người khác, đừng bao giờ đùa cợt!
Bích Diệp