Địa phương không biết. Bộ không biết. Có ai biết không?

(Dân trí) - Thế là hai bộ trưởng, một bác thì kêu khó và không có tiền, một bác thì “đá quả bóng” cho cấp cơ sở vì… đâu có thể biết hết. Thế nhưng bạn đọc Dân trí thì... biết tỏng tòng tong.

 

Địa phương không biết. Bộ không biết. Có ai biết không? - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Một lần nữa, vụ xây “biệt phủ” trong rừng cấm quốc gia lại nóng lên tại phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh do Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức (ngày 27/8).

Tại đây, nhiều đại biểu Quốc hội đã “truy” trách nhiệm của các vị “tư lệnh ngành” nông nghiệp và tài nguyên khi để xảy ra nhiều vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai, đặc biệt là việc xây biệt thự, “biệt phủ” trái phép trong rừng cấm.

Về quản lý đất đai nói chung, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) phản ánh ở Vườn quốc gia Ba Vì, trong khi người dân địa phương không được giao khoán đất thì nhiều người ở nơi khác đến lại được giao. Điều này buộc người dân địa phương phải đi làm thuê, làm mướn và nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã khá gay gắt: “Tôi không hiểu vì sao tình trạng sử dụng đất ở nông, lâm trường trái pháp luật nhiều như thế mà chúng ta lại không thu hồi, không xử được”.

Ông Cương còn đặt ra một vấn đề đáng lo ngại hơn về mặt xã hội: “Nếu chúng ta cứ buông lỏng quản lý như thế này rất dễ dẫn đến hình thành ra các lớp địa chủ mới”.

Còn ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) thì đặt câu hỏi thẳng thắn về trách nhiệm đối với việc xây “biệt phủ” trong rừng cấm: “Theo tìm hiểu thì ông chủ của những “biệt phủ” đó toàn là quan chức và những người có tiền, có quyền. Vậy, trách nhiệm quản lý của các bộ đến đâu khi để xảy ra tình trạng trên?”.

Tiếc rằng hình như cả hai vị Bộ trưởng đều trả lời chưa thỏa đáng.

Nếu Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận “không phải chối trách nhiệm” rồi thêm chữ “nhưng” quen thuộc: “Nhưng từ văn bản đến thực tế rất khó” và một “đòi hỏi” cũng rất quen thuộc, đó là “không có tiền thì sao làm được” thì trả lời bà Huệ, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận trách nhiệm nhưng cho rằng, trách nhiệm lớn nhất ở đây thuộc về chính quyền địa phương bởi địa phương vốn là người biết rõ địa bàn và thực trạng, lẽ ra phải ngăn chặn và xử lý ngay từ đầu, chứ bộ ở xa, đâu có thể biết hết.

Đặc biệt, Bộ trưởng Phát còn nói một câu… cực kỳ quen thuộc: “Quan điểm của chúng tôi là phải xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm pháp luật trong việc xâm lấn đất rừng, bất kể người đó là ai, ở cương vị nào”.

Thế là hai bộ trưởng, một bác thì kêu khó và không có tiền, một bác thì “trả quả bóng” cho cấp cơ sở vì… đâu có thể biết hết.

Thế nhưng bạn đọc Dân trí thì… biết hết.

Bạn đọc Nguyễn Thị Nhàn viết: “Theo tôi nghĩ không phải là hai bộ trưởng đều không biết, cũng không phải vì cơ chế mà hai bộ trưởng khó lãnh đạo, mà vì hai bộ trưởng không ngăn chặn…”.

Còn bạn đọc Na Lê thì than thở: “Chúng tôi dân thường, ở miền quê, xây nhà trong ngóc ngách mà đại diện bên chính quyền vẫn biết tìm đến xử phạt vì xây cửa cổng trên đất cũ nhưng nằm trong quy hoạch, hỏi sao cả biệt thự 100 tỉ đồng mà không ai biết”.

Bạn đọc Thanh Thất thì bất bình: “Qua theo dõi phiên giải trình, nhiều người cho rằng hai ông bộ trưởng trả lời không đâu vào đâu, mà việc trả lời không đâu vào đâu chẳng qua là buông lỏng quản lý, không nắm, không biết được công việc, lĩnh vực mình phụ trách quản lý”.

Có thể chính quyền địa phương… không biết, Bộ cũng… không, không biết nhưng dân biết tỏng tòng tong…

Bùi Hoàng Tám

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!