Đến là ngao ngán thay cái sự …“nhầm”!
(Dân trí) - Theo Dân Trí ngày 6/6, Nghệ An đã Quyết định đưa bản Đửa ra khỏi “Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025” vì bản này không có người dân tộc Ơ Đu nào.
Nguyên nhân của quyết định này, theo phản ánh của phóng viên, cũng khá là… oái oăm!
Cụ thể, ngày 23/4/2019, UBND tỉnh Nghệ An quyết định phê duyệt chủ trương hỗ trợ phát triển KT-XH dân tộc Ơ Đu ở tỉnh Nghệ An năm 2019 dựa trên nguồn kinh phí do ngân sách Trung ương hỗ trợ là 28,18 tỷ đồng.
Trong đề án được UBND tỉnh Nghệ An duyệt ngày 22/8/2017 nêu rõ, phạm vi đề án “được thực hiện tại hai bản Văng Môn và bản Đửa (Lượng Minh, huyện Tương Dương), nơi sinh sống tập trung dân tộc Ơ Đu thuộc hai xã Lượng Minh và Nga My của huyện Tương Dương”.
Trong đó, khẳng định bản Đửa, xã Lượng Minh có 45 hộ với 231 nhân khẩu là người Ơ Đu.
Tuy nhiên, khi Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An triển khai dự án thì phát hiện ở bản Đửa không có người Ơ Đu nên đề nghị UBND tỉnh Nghệ An rút bản Đửa ra khỏi danh sách được hỗ trợ phát triển.
Và theo đó, ngày 30/9/2019, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 3869/QĐ-UBND đồng ý việc đưa bản Đửa ra khỏi danh sách thôn bản được hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội mà đề án trước đó đã đưa ra.
Tác giả Nguyễn Duy ở bài báo này có đặt vấn đề: “Điều khiến dư luận băn khoăn là vì sao một đề án lớn với kinh phí hàng chục tỉ đồng trước khi trình Chính phủ lại thể hiện sự cẩu thả, nhầm lẫn lạ lùng như vậy?”.
Đúng vậy, từ chỗ “bản Đửa có tới 45 hộ với 231 nhân khẩu là người Ơ Đu” cho đến việc “bản Đửa không có người Ơ Đu” sau khi đã được xác minh, là một sự chênh lệch rất lớn, thay đổi bản chất thông tin. Nói cách khác, đó là từ “có” thành “không”.
Một đề án hàng chục tỉ đồng mà lại để xảy ra tình trạng cẩu thả, nhầm lẫn như trên là rất khó hiểu và cũng khó chấp nhận. Thực tế đó đặt ra những nghi vấn về tính trung thực cũng như năng lực của bộ phận tham mưu, của các đơn vị phục vụ hoạt động soạn thảo đề án, trình lên UBND tỉnh phê duyệt.
Sự hoài nghi là dễ hiểu, bởi từ những trường hợp “nhầm” đã xảy ra ở các địa phương khác như tiền hỗ trợ người nghèo đi vào “nhầm nhà”, hay bò, dê, gà… vào “nhầm chuồng” nhà cán bộ…, đã khiến niềm tin của người dân bị lung lay.
Thực tế, có một số chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước, mục tiêu luôn hướng đến việc tạo công bằng trong xã hội, hỗ trợ, giúp đỡ những đối tượng người dân yếu thế, bị tổn thương trong xã hội.
Song khi đến địa phương, thì việc triển khai chính sách, lập danh sách bị “biến tướng” và trục lợi, từ đó mới xảy ra những chuyện bi hài về “hỗ trợ… nhà cán bộ”.
Tuy nhiên, trường hợp nhầm lẫn ở “Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025” cũng cần nhìn ở góc độ tích cực.
Ít nhất là Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An khi triển khai đã phát hiện sai sót này và có đề nghị lên UBND tỉnh để rút bản Đửa ra khỏi đề án, UBND tỉnh cũng đã đồng ý và sửa sai. Chưa có thiệt hại về vật chất nào xảy ra.
Cho nên tính độc lập tương đối, sự giám sát lẫn nhau trong khâu thực thi chính sách là rất cần thiết, giảm thiểu đáng kể những sai sót và cả những tiêu cực (nếu có) phát sinh.
Cần thấy là những chính sách hỗ trợ, đặc biệt là chính sách dành cho người dân tộc thiểu số rất cần thiết và cũng rất nhạy cảm, yêu cầu phải có lập trường đúng, hành động đúng, chứ không thể có chuyện cứ đề xuất “trúng thì trúng, chả trúng thì thôi”, chẳng những có thể gây ra thiệt hại nặng nề mà còn mất niềm tin...
Bích Diệp