Đề án phố đi bộ trong mắt một “Ông Tây”

(Dân trí) - Đề xuất biến phần lớn khu phố cổ của Hà Nội thành phố đi bộ đã được nhiều người hoan nghênh, với UBND Hà Nội ca ngợi đó như một cách lý tưởng để thu hút du khách và quảng bá hình ảnh của thành phố.

Đề án phố đi bộ trong mắt một  “Ông Tây” - 1
 

(Ảnh minh họa: Ngọc Diệp)
 
Nhưng trong tôi có hai luồng tư tưởng trái ngược nhau. Việc biến các khu mua sắm thành phố đi bộ là một chủ đề gai góc ở bất kỳ đâu trên thế giới và tôi hơi nghiêng về ý kiến cho rằng phố cổ của Hà Nội không nhất thiết phù hợp với kế hoạch này.

Một điều cần suy nghĩ là những người dân và các cửa hiệu trong khu vực sẽ làm thế nào khi không được đi xe vào nhà hoặc cửa hiệu của mình? Việc "đi bộ hóa" thường có hiệu quả nhất khi bạn có thể tiếp cận một loạt các cửa hiệu bán lẻ và dịch vụ khác nhau trong một khu vực địa lý nhỏ. Nhưng các nhà bán lẻ của Hà Nội lại không như thế, mà ngược lại có nhiều phố chỉ chuyên bán một loại mặt hàng. Có rất ít trung tâm thương mại tổng hợp, cho nên chẳng hạn nếu bạn muốn tìm mua quần áo, hiện tại bạn có thể xuống xe máy ở Đinh Liệt để vào Boo, rồi phóng ra Hàng Dầu để ngắm nghía những đôi giày thể thao "nhái", vốn không kịp lên chuyến tàu chuyển hàng mới nhất tới các cửa hàng Adidas ở châu Âu, hoặc có thể bạn muốn may đo một bộ complet ở Hàng Bông. Nếu bạn cộng các khoảng cách trên vào, chắc sẽ phải được 3 hoặc 4 kilômét, và vào giữa mùa hè tôi không chắc có bất kỳ ai trong chúng ta sẽ tận hưởng một hành trình vã mồ hôi trên đôi "căng hải".

Lập luận rằng đi bộ hóa sẽ giúp bảo tồn khu phố cổ cũng hơi yếu. Khu phố cổ được khắc họa trong các bài hát, các bài thơ, hay các bộ phim như "Mùa hè chiều thẳng đứng" của đạo diện Trần Anh Hùng, từ lâu đã bị phá hủy; với những tòa nhà hàng trăm năm tuổi bị thay thế bằng các khu nhà bán lẻ "kiểu Pháp". Đừng hiểu lầm tôi; tôi không chống lại sự tiến bộ, nhưng trong trường hợp Khu Phố cổ, không còn nhiều sót lại từ một trăm, chứ đừng nói một nghìn năm trước, hơn là cách bố trí các con phố và tên của chúng.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội, có thể ca ngợi việc đi bộ là tốt cho sức khỏe (tôi mong đợi sẽ được tản bộ cùng ông ấy, nếu ông ấy có thời gian), nhưng tôi nghi ngờ về đề xuất rằng những phố đi bộ này sẽ mang lại cơ hội hoàn hảo cho việc thúc đẩy ngành kinh doanh "các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam". Với tư cách một người nước ngoài, tôi đã quá sức choáng ngợp bởi lượng khổng lồ những mặt hàng thủ công nguyên bản (và giống hệt nhau) mà tôi đã có thể mua, và thành thực mà nói tôi không có hứng thú trong việc có thêm nữa, cảm ơn rất nhiều. Thay vào đó tại sao thành phố không thiết kế một vài phố cổ thành Phố Di sản, và nỗ lực thực sự để tái tạo kiến trúc (những gì ít ỏi còn sót lại), bổ sung vài cửa hàng tốt bán đồ ẩm thực Việt, tổ chức các sự kiện văn hóa ngoài trời và các buổi ca nhạc và thực sự quảng bá tinh thần của Phố Cổ qua sự gắn bó với cộng đồng địa phương. Chỉ mình các cửa hàng bán lẻ mà không có sự thúc đẩy về văn hóa thì không mang lại được gì.

Hà Nội thường xuyên tìm cách đưa các ý tưởng vào mà không nhìn vào thực trạng. Tôi không muốn Hà Nội trở thành một "Singapore cấp hai" - toàn những con đường vô hồn và các nhãn hàng hiệu quốc tế kết hợp với một cuộc sống về đêm kết thúc vào nửa đêm. Thay vào đó tôi muốn một thành phố kết nối một cách hữu cơ với quá khứ, thông qua một hiện tại năng động và hiện đại. Đi bộ hóa sẽ chỉ đồng nghĩa với việc thêm nhiều thứ tạp nham có xuất xứ Trung Quốc được bày bán như ở chợ đêm trên phố Hàng Ngang, nếu văn hóa hiện đại của thành phố không được phát huy qua đề xuất này.

Hà Nội tự coi mình là một thủ đô đẳng cấp quốc tế, nhưng nếu thành phố muốn lượng du khách tăng và cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực, thì cần phải cởi mở hơn. Sinh hoạt kết thúc vào lúc 10 giờ tối thì không phải là biểu hiện của một thành phố hiện đại, tự tin, của một đất nước đang phát triển một cách năng động. Một trong những than phiền lớn nhất của khách nước ngoài về thành phố này là không có nhiều thứ lắm để làm về đêm. Một khi bạn đã đi hết những điểm du lịch như bảo tàng, chùa chiền và phố cổ, bạn còn có thể tiêu tiền vào đâu? Các nhà hàng thường nhận đặt món cuối cùng vào lúc 10 giờ tối, các quán bar phải đóng cửa vào nửa đêm và không có một khu vực nào trong thành phố được dành riêng cho những người muốn thư giãn và tận hưởng thêm vài đồ uống hoặc món ăn với bạn bè mà không phải nhốt nhau vào một quán karaoke tối tăm. Ít nhất hãy cấm ô tô và xe máy vào ngõ Bảo Khánh, quy định nó thành một phố giải trí và để cho cộng đồng quán cafe và quán bar của nó phát triển, hoặc tốt hơn nữa là thiết kế nguyên một khu trong phố cổ thành một khu vực du lịch 24/24 nhằm "lôi kéo" những đồng đô la chưa được tiêu của du khách.


JC Smith
(U.M dịch)
 
* Bài viết là quan điểm cá nhân của tác giả.
** Xin mời độc giả đọc bản gốc bằng tiếng Anh của bài viết này tại đây.